Khi “giờ cao su” cũng trở thành… “văn hoá”

(Dân trí) - “Giảng viên lên lớp muộn 10 phút thì buổi học đó bị tính là giảng viên bỏ giờ không lý do. Sinh viên đến lớp muộn 5 phút bị tính nghỉ học một buổi không lý do. Giờ giải lao, sinh viên vào muộn sẽ bị tính một buổi nghỉ học không phép”.

Khi “giờ cao su” cũng trở thành… “văn hoá” - 1

Thông báo về nội quy học đường tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền mới đây đã khiến không ít sinh viên “lạnh người” vì tính khắt khe của các quy định. Dù rằng, thông báo này đã được nhà trường thu hồi, song có lẽ vẫn còn nhiều điều phải bàn về tính kỷ luật trong nhà trường hiện nay.

Tờ Lao động ngày 27/8 dẫn lời PGS.TS Trương Ngọc Nam – Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết: “Quan điểm của tôi là phải tạo ra được môi trường sinh thái giảng dạy, học tập tốt nhất cho thầy và trò để đảm bảo chất lượng đào tạo, thể hiện trách nhiệm với xã hội”.

Chính vì quan điểm đó của vị Giám đốc Học viện nên người viết có cảm giác là lãnh đạo nhà trường đã có phần vội vàng trong quyết định thu hồi nói trên (dù rằng, sự lắng nghe là cần thiết).

Bởi, một quy định có phần “ngặt nghèo” như trên sẽ tác động đến tất cả sinh viên và các thầy cô giáo trong trường và từ đó dẫn đến những “ý kiến khác nhau” là điều dễ hiểu. Khi soạn thảo nội quy này, lãnh đạo nhà trường hẳn cũng đã lường trước được những phản ứng mang tính “đương nhiên” đó!

PGS.TS Bùi Thị An – nguyên Đại biểu Quốc hội đã bình luận trên Lao động ngày 28/8: Tính kỉ luật, nghiêm minh trong nhà trường là điều vô cùng cần thiết, kỉ luật rèn luyện con người khi vào đời. Trường học là nền móng cơ bản để rèn luyện kỷ luật, tạo nên thói quen và thể hiện văn hóa của con người.

“Nếu đã đặt ra thì phải thực hiện, không có ai ngoài lề, không được đánh trống bỏ dùi. Song song với đó phải tuyên truyền giáo dục cho học sinh tự giác duy trì tính kỉ luật”, bà An nói. Người viết hoàn toàn ủng hộ quan điểm này.

Thật vô lý khi suốt 12 năm học phổ thông, cơ sở, các cháu học sinh được uốn nắn theo giờ giấc nghiêm ngặt (thậm chí, nhiều phụ huynh còn cho con tham gia học kỳ quân đội để rèn tính kỷ luật), thế mà bước vào cánh cửa đại học thì sinh viên lại “thả phanh”, không ít trường hợp như “chim sổ lồng”, bỏ bê việc học rồi sa ngã. Từ đó, ở một số trường đã phát sinh tiêu cực về “mua điểm”, “đổi điểm”, sinh viên không tham gia học, học không đến nơi đến chốn vẫn có thể qua học phần, thậm chí đạt điểm cao.

Đó là chưa nói đến những hệ luỵ về sau khi mà môi trường đại học chính là bước đệm để sinh viên ra trường bước vào môi trường làm việc.

Trong quan hệ thầy-trò cũng như các quan hệ xã hội, thật khó để thu được hiệu quả và cùng nhau đi nhanh, đi xa nếu không tôn trọng đối tác, mà trước hết là thể hiện qua việc đáp ứng giao kèo về thời gian.

Một lãnh đạo doanh nghiệp có lần chia sẻ với người viết về tình trạng dở khóc dở cười khi hợp tác với các làng nghề: Hàng gia công không bao giờ giao đúng hạn vì người làm hôm nay bận đi ăn giỗ, ngày mai bận đi đám cưới! “Giờ cao su” cũng trở thành một “nét văn hoá”.

Khoan hãy nói đến “công nghiệp hoá” hay “4.0”, cứ “vô tổ chức”, “vô kỷ luật” như thế, làm sao chúng ta có thể đòi hỏi được tính chuyên nghiệp của người lao động, rồi làm sao không thất vọng về năng suất lao động thua cả Campuchia và kém xa Singapore cả hàng chục lần (!??!

Bích Diệp