Môn Sử có nên kêu "oan"?

(Dân trí) - Thống kê của Bộ GD&ĐT qua dữ liệu điểm thi THPT quốc gia 2019, số thí sinh có điểm dưới trung bình môn Lịch sử chiếm tới 70,01%. Một cuộc tranh luận lại nổ ra, nào do dạy chán, do chương trình quá nhiều sự kiện phải nhớ… Thiển nghĩ, có lẽ nên nhìn nhận từ nhiều phía, nếu không “oan” cho giáo viên và cho cả môn Lịch sử.

Môn Sử có nên kêu oan? - 1

Kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, 70,01% bài thi Lịch sử dưới điểm trung bình, khiến điểm trung bình môn Sử “đội sổ” trong số các môn thi của kì thi THPT quốc gia 2019.

Vậy là cuộc tranh luận tìm lý do điểm kém lại được mở ra, do lối dạy đọc - chép, chương trình quá nhiều sự kiện phải nhớ... hay do học sinh "tìm mãi không ra" niềm hứng thú với môn học này?

Với người trong ngành, lời lý giải điểm Lịch sử bị "thấp toàn tập" thì khác: PGS.TS Nguyễn Mạnh Hưởng, giảng viên Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, trước hết cần lọc xem trong số đó, em nào đăng kí vào đại học bằng môn Sử và em nào thi chỉ để “qua môn”. Thực tế những em chủ động thi Lịch sử để vào đại học, điểm vẫn rất cao.

Thứ hai, nhiều em thi Lịch sử với tâm thế chỉ cần qua điểm “liệt”, không có động lực thi điểm cao vì tập trung các môn xét tuyển đại học. Mục tiêu giành điểm khác nhau nên không thể nhìn vào con số trên để cho rằng, do thầy cô dạy bộ môn này chưa tốt.

Còn với nhiều người, vấn đề nằm ở chỗ cả năm học, thậm chí gần như suốt những năm dính với môn Lịch sử, tụi nhỏ chẳng đọc gì khác ngoài cuốn sách giáo khoa. Chúng toàn thấy nhắc nhở: Phải học thuộc cái này, cái nọ, mà toàn số (khô hơn toán), toàn thứ chẳng có dẫn dụ hay bối cảnh đủ để khơi gợi sự tò mò.

Công bằng mà nói, những năm trở lại đây đã, môn Lịch sử dần được chú trọng hơn. Bằng chứng là nhiều cuộc thi, giải thưởng Lịch sử cho học sinh ra đời, hoạt động ngoại khóa về địa danh, danh nhân được tổ chức nhiều hơn, giảng dạy lịch sử một số nơi đã được áp dụng công nghệ hiện đại...

Và kết quả là, cho dù điểm trung bình môn Sử “đội sổ” trong số các môn thi của kì thi THPT quốc gia 2019 nhưng cũng đã có sự tiến bộ rõ rệt, từ 3,79 năm 2018 lên 4,3 năm 2019.

Đã có những giai đoạn, tranh cãi nổ ra về việc dân ta nắm rõ "sử nước bạn hơn sử mình" chỉ bởi trên truyền hình bùng nổ phim dã sử nước ngoài, trong khi đó số phim về lịch sử trong nước chỉ như "gió thoảng" (chưa bàn về chất lượng, mức độ thu hút người xem).

Chỉ cách đây ít tuần, khi bộ phim "Về nhà đi con" gây sốt, không biết bao nhiêu phần trăm trong số những ông bố, bà mẹ để ý hay khuyến khích các con xem những tập hoạt hình về các nhân vật trong lịch sử phong kiến Việt Nam ít phút trước đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết "Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam", chắc hẳn không chỉ mỗi học sinh mà chính những bậc phụ huynh và rộng ra là mỗi người dân Việt cần phải quan tâm, tạo môi trường và cả động lực để môn Lịch sử có vị thế xứng đáng hơn trong dòng chảy thời đại...

Đúng không các bạn?

Mỹ Hà