Người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ phải ra đi...

(Dân trí) - Chỉ khi nào "người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ phải ra đi" thì khi đó, công cuộc tinh giản biên chế mới có hiệu quả. Còn không, có lẽ không nói chuyện năm 2021 mà dẫu có 100 năm nữa, chúng ta cũng khó có được một đội ngũ công chức gọn nhẹ và tinh nhuệ.

 


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Có lẽ chính vì thế, cái cụm từ “tinh giản biên chế” đã được nhắc đi, nhắc lại cả mấy chục năm nay. Song tiếc thay, hình như càng “giảm” thì lại càng tăng mà càng “giản” thì nó lại càng phức tạp.

Tại Hội nghị triển khai kế hoạch của Chính phủ về tinh giản biên chế ngày 12/1 vừa qua, Vụ trưởng Tổ chức biên chế (Bộ Nội vụ) Thái Quang Toản cho hay, trong năm 2015, cả nước đã tinh giản được 9.129 người.

Nhìn vào con số hơn 9 ngàn người đã được “tinh giản”, có thể thấy đây là con số không nhỏ bởi đã lên đến con số gần một vạn người.

Song ngược lại, nếu so với con số 2,8 triệu viên chức, công chức thì con số đó quả là ít ỏi, thậm chí “như muối bỏ bể”, nó mới chỉ gần bằng 1/280 thôi.

Còn nếu so với con số “30% sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” như lời mà Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói thì nó bằng 1/90, tức là để giảm đi 30% này, chúng ta cần… 90 năm nữa. Đó là chưa kể con số phát sinh.

Một phép tính khác, theo kế hoạch, đến năm 2021, chúng ta sẽ tinh giản được10%. Đây mới là con số “theo kế hoạch”, rất khó thực hiện nhưng giả sử như đạt được con số này thì cũng mới chỉ giảm được 280 ngàn, tức là đội ngũ công chức vẫn còn tới… hơn 2,5 triệu người.

Cách đây hơn 700 năm, Đức vua Trần Nhân Tông (1258 – 1308) đã từng than: “Đất nước bé bằng bàn tay, quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi!” thì mới đây, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan cũng lại thốt lên: “Bộ máy cồng kềnh thế này dân è cổ nuôi”…

Thế nhưng nói giảm thì giảm ai bây giờ khi mà trong đội ngũ nhiều, thậm chí rất nhiều cán bộ công chức nằm trong công thức 4C và 4 “ệ”, trong đó 4C là “con cháu các cụ” và 4 “ệ” thì là: “Thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ và thứ tư trí tuệ”.

Cái đám “hậu duệ” thì khó “giản” lắm vì nó là “con anh, cháu chị”, các chú có dám và cả có nỡ “giản” cháu không?

Với “quan hệ”, tôi giúp con cháu chú, chú lại “giản” cháu con tôi sao tiện? Thậm chí, sao được, sao yên?

Về “tiền tệ”, các bác, các cô cầm của em, giờ “giản” em thì các bác, các cô…. lừa em cắc? Này, nói thật, “lành làm gáo, vỡ làm muôi”, không xong với em đâu nhé.

Cho nên còn lại chỉ mỗi một “thành phần trí tuệ” là dễ “giản” nhất.

Nhưng khổ một nỗi, đám người này vốn lại là “bạo lực lao động”, mọi việc lớn nhỏ họ gánh cả, nếu “giản” họ thì lấy ai cáng đáng công việc đây?

Vì vậy, mấu chốt của vấn đề là phải giao việc bằng định lượng, như lời Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn: "Nếu cứ để những người không làm được việc ở lại, sẽ ảnh hưởng đến mức độ hoàn thành nhiệm vụ của toàn đơn vị. Điều đó gắn với vai trò của người đứng đầu. Mà việc đánh giá người đứng đầu gắn liền với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị. Vì vậy, nếu không mạnh dạn tinh giản người không làm được việc để tuyển thêm những người có năng lực, người đứng đầu sẽ không hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao, đến một lúc nào đó sẽ phải ra đi".

Vâng, chỉ khi nào "đánh giá người đứng đầu gắn liền với mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị" và "người đứng đầu không hoàn thành nhiệm vụ sẽ phải ra đi" thì khi đó, công cuộc tinh giản biên chế mới có hiệu quả.

Còn không, có lẽ không nói chuyện năm 2021 mà dẫu có 100 năm nữa, chúng ta cũng khó có được một đội ngũ công chức gọn nhẹ và tinh nhuệ, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám