Sao phải sợ dân ghi âm, ghi hình?

(Dân trí) - Tuần trước, đã có nhiều ý kiến tranh luận trái chiều nhau về quy định "ghi âm, ghi hình" tại nơi tiếp công dân phải xin phép.

Sao phải sợ dân ghi âm, ghi hình?  - Ảnh 1.


Phải nói ngay rằng, việc ghi hình hoạt động các cơ quan hành chính, nhất là ở những bộ phận giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp: Các địa điểm thu thuế, Hải quan, bộ phận "một cửa"... đã được thực hiện từ lâu, được quy định rõ ràng và thống nhất từ Trung ương, xuống địa phương.

Cho nên, có thêm việc người ghi âm, ghi hình ở các văn phòng tiếp công dân của UBND các tỉnh, thành phố cũng là điều bình thường. Đó nên được coi như một hình thức giám sát, khiến cán bộ, công chức ở nơi tiếp dân sẽ phải có ý thức giữ gìn, chấp hành các quy định về tiếp dân tốt hơn bởi họ biết luôn có "tai", "mắt" dõi theo từng hành động, cử chỉ của mình.

Cho dù, điều này có thể tạo nên cảm giác không thoải mái cho một số cán bộ, công chức nào đó vì đôi khi, theo thói quen, có người vẫn dễ cáu gắt khi tiếp dân, có người hay mặc trang phục không tề chỉnh, bừa bộn nơi làm việc... Nhưng có máy ghi hình của Nhà nước, hay không có, nhưng người dân ghi hình lại, thì cũng rất cần thiết bởi đó là sức ép khiến những cán bộ, công chức đó chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc để đảm bảo văn minh, lịch sự khi tiếp công dân.

Trong năm 2018, báo chí đã phản ánh và ghi nhận một số vụ việc như một nhân viên điện lực khi tiếp dân đã phanh áo ngực, văng tục khi tiếp dân; một nhóm cán bộ hải quan đã mở tung, khám xét một lô hàng không thuộc diện phải kiểm tra... Nhưng những hình ảnh, clip vdieo do người dân ghi lại cho thấy những cán bộ, nhân viên nhà nước này đã làm sai và sau khi báo chí, mạng xã hội đăng, những người này đã bị kỷ luật, và ở các cơ quan đó, việc tiếp dân, làm thủ tục hải quan đã được chấn chỉnh, làm tốt hơn.

Như vậy, có thể thấy, việc người dân ghi âm, ghi hình, kể cả khi việc đó thực hiện mà không báo trước cho cán bộ, công chức, cũng có tác dụng tích cực nhất định.

Tại Hội nghị toàn quốc về triển khai công tác tư pháp năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có phát biểu chỉ đạo: "Tiếp dân phải ghi âm, ghi hình. Hỏi cung cũng phải ghi âm, ghi hình. Quy định như vậy để đảm bảo quyền công dân".

Chỉ đạo trên của Thủ tướng, thiết nghĩ, chẳng còn gì rõ ràng hơn. Việc tiếp dân phải ghi âm, ghi hình- do cơ quan nhà nước lắp đặt thiết bị ghi âm, ghi hình ngay ở nơi tiếp dân đã là điều phải làm thì việc người dân chủ động ghi âm, ghi hình, chụp ảnh thì cũng là điều nên coi là bình thường, cần thiết, chẳng có lý do gì phải hạn chế cả.

Mạnh Quân