Sát hạch công chức không phải kiểm tra bài học sinh

(Dân trí) - Trong 63 thí sinh tham gia kiểm tra, sát hạch tiếp nhận công chức không qua thi tuyển tại kỳ tuyển dụng công chức Hà Nội năm 2015, có 30 người không đạt. Đáng chú ý là có 25 thí sinh là thủ khoa, cử nhân tốt nghiệp xuất sắc ở nước ngoài bị loại.

(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Đã thi cử, sát hạch, tất có người trúng, kẻ trượt, đó là chuyện bình thường. Chuyện không bình thường ở đây là những thí sinh tốt nghiệp trong và ngoài nước loại giỏi, nhưng không qua được kỳ sát hạch để làm công chức.

Một là các vị tốt nghiệp xuất sắc nhưng kết quả đó không trung thực (bằng dỏm). Hai là nội dung sát hạch không sát với thực tế, không liên quan đến kiến thức chuyên môn mà họ được đào tạo. Có lẽ lý do thứ hai thuyết phục hơn.

Nội dung sát hạch gồm: Khái niệm cán bộ, công chức và phân định cán bộ với công chức; nghĩa vụ và quyền của cán bộ, công chức; đạo đức, văn hóa giao tiếp của cán bộ, công chức; những việc công chức không được làm. Kiến thức quản lý nhà nước chuyên ngành, Luật, các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ chuyên ngành và văn bản của thành phố về lĩnh vực chuyên môn.

Các vị kỹ sư, cử nhân kinh tế, tài chính, ngân hàng, thông thạo chuyên môn của mình, giỏi ngoại ngữ, nhưng chắc chắn khó có thể nắm chắc kiến thức theo yêu cầu của cuộc sát hạch. Rớt không có chi lạ.

Đúng là công chức thì phải nắm vững những kiến thức như trên, cho nên không thể phủ nhận những yêu cầu đó. Tuy nhiên, lấy kiến thức này làm yêu cầu tuyển đầu vào để xác định người có năng lực thì quả là không phù hợp.

Đúng ra, tuyển dụng người được đào tạo bài bản, có năng lực thực sự, nắm vững kiến thức chuyên môn, có tư duy sáng tạo, để làm việc trong lĩnh vực thuộc chuyên môn được đào tạo… Còn để biết phân định công chức với cán bộ chỉ cần vào làm việc cơ quan nhà nước thì khắc biết, muốn biết nghị định, thông tư thì vào làm thực tế sẽ biết. Những kiến thức đó không khó tiếp thu đối với một người đã học hành tử tế.

Đạo đức, văn hóa của công chức, những việc công chức không được làm, chỉ cần học thuộc lòng, không cần suy nghĩ, sáng tạo. Tuyển công chức mà tuyển học thuộc lòng như học sinh tiểu học thì làm sao khá được.

Chính vì các loại nội dung sát hạch chủ yếu là học thuộc lòng, nên có nhiều người chữ nghĩa chẳng là mấy, cứ “tụng” cho thuộc những thứ chuẩn bị sẵn thì đỗ. Còn những giỏi chuyên môn, nhưng không học thuộc lòng những thứ có sẵn thì rớt.

Thi cử, sát hạch để tuyển công chức là cần thiết, nhưng nội dung thi là vô cùng quan trọng. Nếu thiết kế nội dung không phù hợp thì hiệu quả không cao, rất có thể người giỏi thực sự thì bị loại. Chưa kể nhiều kẻ bất tài, chạy cửa sau, nắm trước các câu hỏi và câu trả lời có sẵn, về học thuộc lòng để làm công chức.

Qua đợt sát hạch này, tưởng cũng nên xem xét lại, điều chỉnh để kỳ sát hạch sau đạt chất lượng và hiệu quả cao hơn.

Lê Chân Nhân

BLOG rất mong nhận được bình luận của các bạn xung quanh các đề tài mà chúng ta cùng quan tâm. Xin hãy bấm vào link GỬI BÌNH LUẬN phía dưới bài, viết ý kiến của mình, rồi nhấn phím ĐỒNG Ý. Sau đó, điền thông tin theo một trong hai cách mà hệ thống hướng dẫn. Mọi ý kiến của các bạn đều được chúng tôi đón đợi và quan tâm.

Cám ơn các bạn!