Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT: Làm sao để đánh giá đúng chất lượng HS?

(Dân trí)- Nhiều chuyên gia GD cho rằng, kết quả thi tốt nghiệp THPT tùy thuộc ba yếu tố: đề thi-đáp án (dễ hay khó), coi thi (nghiêm túc hay thả lỏng) và chấm thi. Nếu thực hiện nghiêm túc cả ba khâu này, tỉ lệ tốt nghiệp mới thể hiện hiệu quả chất lượng từng địa phương.

Kì thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá năng lực của thí sinh sau 12 năm đèn sách. Cho nên, sự quan tâm của dư luận xã hội đối với kỳ thi này cũng là điều dễ hiểu. Và tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT luôn là những con số “nhạy cảm” nhất.
 
Sự thăng trầm của tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT dường như luôn phải đối mặt sự phản biện của xã hội: Thấp hay cao cũng đều bị mổ xẻ,thậm chí là đả kích. Nhớ năm 2006, trước những vụ lình xình về kì thi tốt nghiệp THPT mà điển hình là sự kiện “giám thị tố... giám thị” với nhân vật chính là thầy giáo Đỗ Việt Khoa (Hà Tây cũ), kế tiếp đến là những video “động trời” mà thầy giáo Nguyễn Đình Hoàng (Nghệ An) đăng tải lên mạng… nên ngành giáo dục (GD) đã bày tỏ quyết tâm của mình thông qua việc phát động cuộc vận động “Hai không”.

Ngay năm đầu tiên triển khai, ngành GD lại tiếp tục chịu một áp lực lớn từ phía xã hội khi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cả hệ THPT và bổ túc THPT sụt giảm chóng mặt. Hàng loạt phân tích, đánh giá phê bình về căn bệnh thành tích của ngành được các chuyên gia, những người có tiếng nói trọng lượng, đội ngũ giáo viên giãi bày với nhiều góc độ khác nhau. Nhưng khi ngành GD vẫn đang “loay hoay” tìm cách giải quyết hậu quả của những hệ lụy hàng chục năm trước đó thì lại tiếp tục phải đối đầu với sức ép của dư luận về việc tỷ lệ học sinh (HS) bỏ học gia tăng, tình trạng ngồi nhầm lớp còn phổ biến…

Sức ép gia tăng, ngành GD lại tiếp tục đề xuất triển khai “Bốn không” kết hợp với nhiều giải pháp khác nhằm “kéo” HS đến trường như phong trào thi đua “Trường học thân thiện - HS tích cực”, đổi mới phương pháp dạy và học… 

Tỉ lệ đỗ tốt nghiệp THPT: Làm sao để đánh giá đúng chất lượng HS? - 1

Những cuộc trao đổi về chuyên môn để dạy phân loại học sinh yếu kém như thế này thường diễn ra ở các tỉnh vùng cao. (Ảnh chụp tại tỉnh Lai Châu)

Nỗ lực đó tưởng chừng được đền đáp thể hiện qua việc tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT các năm sau đó tăng và nhảy vọt “thần kỳ”. Tuy nhiên sự tăng trưởng “quá lớn” đó lại tiếp tục khiến dư luận đặt ra câu hỏi: Liệu kết quả có thực chất? Cuộc vận động “Hai không” còn tồn tại hay bị phá sản? Thậm chí có người còn đề xuất: Đỗ cao thế này thì cần gì phải tổ chức thi?

Điểm nhấn chính là thời điểm năm 2011 khi mà sứ mạng 5 năm của phong trào “Hai không” đã nhận được hàng loạt câu hỏi dồn dập liên quan đến con số tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT cả nước gần 95% nhưng đến thời điểm hiện tại Bộ vẫn chưa trả lời chính thức.

Chia sẻ với báo chí, ông Bùi Anh Tuấn - Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) khẳng định: “Mục tiêu của ngành không phải là đỗ cao hay thấp. Vấn đề là đỗ hợp lý, đánh giá được việc học. Hiện nay một số vùng khó khăn vẫn có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao nhưng chúng tôi thường đánh giá là chưa bền vững và có lẽ các địa phương này vẫn phải còn phải cố gắng trong một thời gian dài”.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia giáo dục đều cho rằng, kết quả thi tốt nghiệp THPT tùy thuộc ba yếu tố: đề thi - đáp án (dễ hay khó), coi thi (nghiêm túc hay thả lỏng) và khâu chấm thi như thế nào. Nếu thực hiện nghiêm túc cả ba khâu này, tỉ lệ tốt nghiệp mới thể hiện đúng hiệu quả chất lượng từng địa phương.

Nguyễn Hùng