Bạn đọc viết

Bạo lực học đường, vì đâu nên nỗi?

Cần nhớ rằng, mỗi hành vi ứng xử của học sinh trong cuộc sống thường ngày đều là hệ quả của giáo dục và đào tạo. Khái niệm giáo dục và đào tạo đề cập ở đây không giới hạn trong nội hàm nhà trường mà rộng hơn với ba yếu tố: Nhà trường - gia đình - xã hội.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Liên tiếp trong thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều clip ghi lại những cuộc ẩu đả của học sinh mà phổ biến nhất là học sinh Trung học cơ sở (THCS).

Ngày 18/10, cộng đồng mạng kinh hoàng khi xem clip một nữ sinh bị hai nữ sinh khác đánh “hội đồng” chỉ vì mâu thuẫn nhỏ. Hai nữ sinh đánh bạn luôn nhằm vào đầu để đánh, tát, giật tóc, xung quanh có nhiều học sinh khác cổ vũ, reo hò. Qua xác minh, ba nữ sinh này ở trường THCS Lê Lợi (xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo, Đắk Lắk).

Ngày 22/10, lại một clip học sinh ẩu đả khác gây sốc dư luận. Đoạn clip ghi lại cảnh một nam sinh bị nhóm bạn cùng lớp của trường trường THCS Minh Tân (Kinh Môn – Hải Dương) đánh dã man vì lí do không chịu nộp "tô" 5.000 đồng/ ngày. Sự việc xảy ra sau giờ tan học tại khu vực cổng làng Hà Chiểu, cách trường khoảng 2km.

Trong clip trên, nhóm học sinh liên tục túm tóc, dùng dép tát vào mặt và đạp thẳng chân vào đầu nam sinh, bắt nam sinh quỳ xuống, vái lạy để xin lỗi; một nam sinh khác tè ngay trước mặt nạn nhân. Nhóm nam sinh còn tỏ thái độ thích thú, hả hê trước hành động đánh đập, làm nhục bạn của mình. Đáng chú ý là sự việc này đã diễn ra nhiều lần ngoài khu vực trường học.

Mới đây nhất, ngày 28/10 một clip khác được tung lên mạng, ghi lại cảnh hai thiếu nữ thay nhau hành hung dã man một nữ sinh, bắt bạn phải liếm chân thì mới tha mạng trong sự chứng kiến của nhiều bạn bè khác. Xem clip, có lẽ không còn ngôn từ nào để diễn tả hết sự nhẫn tâm đến tận cùng của hai cô gái đối với bạn mình. Chuyện xảy ra ở huyện Nhà Bè, TP. Hồ Chí Minh.

Sự xuất hiện liên tục những clip ghi hình học sinh đánh nhau trong một thời gian ngắn gần đây như thế cho thấy bạo lực học đường đã đến hồi nghiêm trọng.

Dư luận đã từng lên tiếng, nhiều nhà giáo, nhà nghiên cứu, quản lí giáo dục cũng đã bày tỏ quan điểm của mình; nhiều bài viết đăng trên các phương tiên thông tin đại chúng cũng đã mổ xẻ, đánh giá nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng. Song, dường như chưa có một giải pháp hữu hiệu nào từ phía nhà trường, ngành giáo dục và cả xã hội nhằm giảm thiểu vấn nạn nhức nhối này.

Những hình thức xử kí kỉ luật như cảnh cáo, đình chỉ học, … chỉ là giải pháp tình thế, không đủ sức răn đe.

Cần nhớ rằng, mỗi hành vi ứng xử của học sinh trong cuộc sống thường ngày đều là hệ quả của giáo dục và đào tạo. Khái niệm giáo dục và đào tạo đề cập ở đây không giới hạn trong nội hàm nhà trường mà rộng hơn với ba yếu tố: Nhà trường - gia đình - xã hội.

Cho nên, nói đến bạo lực học đường, đừng vội áp ngay tội lỗi cho ngành giáo dục. Nó là kết quả "tổng hòa" của ba yếu tố nói trên. Trong thời đại hiện nay, một mình nhà trường không thể gánh hết trách nhiệm giáo dục học sinh như cách đây dăm chục năm về trước.

Tuy nhiên, nhà trường vẫn là người đóng vai trò chính trong quá trình hình thành nhân cách cho học sinh.

Việc bạo lực học đường gia tăng, trách nhiệm của nhà trường là không thể chối cãi nhưng nguyên nhân thực sự từ đâu? Thiết nghĩ không chỉ hiểu một cách đơn giản là do nhà trường, thầy cô chưa quan tâm đúng mức. Mà quan tâm đúng mức cái gì? Không thể ngày nào cũng lên lớp răn đe học trò phải thế này, phải thế kia… Giáo dục là quá trình tự thẩm thấu những giá trị đạo đức và tri thức của con người. Giáo dục không thể nhồi nhét một sớm một chiều. Dường như chúng ta đang mắc phải sai lầm ở góc độ này. Biết bao thế hệ học trò bị nhồi nhét kiến thức đến nghẹt thở, không một khoảng trống trong ngày, trong tuần để vui chơi, giải trí, để "tiêu hóa" những gì mình thu lượm được trong qua trình học hỏi.

Trong một môi trường giáo dục như thế, học sinh chẳng khác gì gà công nghiệp, thiếu đi những kĩ năng sống cần thiết, thiếu đi những cách ứng xử văn hóa dù bài học đạo đức hay giáo dục công dân vẫn được thầy cô giảng dạy mỗi ngày.

Những lệch lạc trong môi trường sư phạm cũng là tác nhân không kém phần quan trọng ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách cho học sinh. Bệnh thành tích, dối trá; những ông thầy bà cô thiếu gương mẫu trong lời nói và hành động; giáo dục coi trọng đồng tiền (chạy thầy, chạy điểm, lạm thu, dạy thêm học thêm),… đang ngày ngày tác động xấu đến tâm hồn trong trắng của học sinh, khiến các em mất phương hướng trong việc định hình nhân cách, lối sống.

Trong thời đại hiện nay, nhà trường không còn là giới hạn an toàn trước sức tấn công dữ dội, liên tục của những tiêu cực bên ngoài xã hội. Công nghệ thông tin, Internet, truyền hình là những tiện ích mà lợi đi liền với hại, giúp sức cho cái xấu, cái ác tấn công vào môi trường giáo dục mà đối tượng dễ bị tổn thương nhất vẫn là học sinh. Những xấu xa tội lỗi của người lớn như tham nhũng, hủy hoại môi trường, cướp giết hiếp, lừa đảo, dối trá… xuất hiện liên tục trên mặt báo, ti vi, trên mạng xã hội chẳng khác gì độc dược trước sức đề kháng non nớt của tuổi học trò. Tương lai của hế hệ trẻ sẽ ra sao trước sự xô bồ của cuộc sống, sự xuống cấp ngày càng trầm trọng của văn hóa, đạo đức xã hội? Những bài học giáo dục công dân xơ cứng, những lời răn dạy sáo rỗng của thầy cô liệu có đủ để đánh bật được những tiêu cực ngoài đời mà sức cám dỗ của nó đối với học sinh là không giới hạn?

Tác động xấu của xã hội còn len lỏi vào từng căn nhà, góc phố. Gia đình thời hiện đại cũng không còn là nơi an toàn cho con trẻ. Có thể thấy ba xu hướng hiện nay trong giáo dục gia đình: Một là "quên" trách nhiệm giáo dục con cái bởi phụ huynh bị cuốn vào công việc mưu sinh thường ngày. Hai là o bế chiều chuộng con thái quá về mọi mặt, cho con trẻ sử dụng điện thoại ngay cả khi đang học tiểu học (Dễ hiểu vì sao HS thích thú cổ vũ đánh nhau để quay phim tung lên mạng, xem tội lỗi như là một thú giải trí); tập cho con trẻ xài tiền mà không kiểm soát. Ba là dạy con theo kiểu bệnh sĩ, luôn luôn gây áp lực học hành, thành tích, chạy thầy, chạy trường, chạy điểm. Cùng với các xu hướng giáo dục gia đình sai lầm đó là sự nêu gương "xấu" của người lớn khi mà tiêu cực xã hội không chừa một ai.

Trong một môi trường sống "tứ bề thọ địch" như vậy, làm sao con em chúng ta tránh khỏi hư hỏng? Cho nên, bạo lực học đường gia tăng chẳng có gì lạ. Nó chứng tỏ sự bế tắc của một bộ phận không nhỏ giới trẻ trong cuộc sống hiện đại. Sự bế tắc đó là hệ lụy tất yếu của những tiêu cực trong xã hội, nhà trường và gia đình. Mà suy cho cùng là do người lớn - những người đáng lẽ ra là gương sáng dẫn đường cho họ đi tới tương lai với tư cách công dân.

Nguyễn Duy Xuân