Câu chuyện “chạy sô” … học thêm!

(Dân trí) - Việc “chạy sô” thường chỉ diễn ra với số ca sĩ nổi tiếng, được giới trẻ hâm mộ. Nhưng ngày nay, nhiều học sinh cũng trở thành “người nổi tiếng bất đắc dĩ” trong việc “chạy sô” …học thêm!

           Câu chuyện “chạy sô” …  học thêm! - 1

Ảnh minh họa (nguồn ảnh: internet) 
 
Ngày nay hầu như 2/3 học sinh đều đi học thêm, và tỷ số này vẫn trong xu thế ngày càng tăng.
Việc học thêm rất phong phú, đa dạng. Có người học thêm  4- 5 môn; lại có người chỉ học 1-2 môn nhưng học đến 2- 3 thầy cô giáo. Thời gian học thêm khá đa dạng, bạn nào học buổi chiều thì buổi sáng học thêm từ 7h đến 8h30 (suất 1), hoặc từ 9h đến 10h30 (suất 2); các bạn vừa ra khỏi lớp học thêm tức tốc chạy về nhà ăn cơm để đến lớp học chính khóa buổi chiều. Còn riêng những bạn học buổi sáng thì buổi chiều cũng chia ra từng xuất học, bắt đầu học từ 13h30 đến tận 17h chiều. Thậm chí có người học từ 19h đến tận 21h tối. Vì vậy, mới xảy ra hiện tượng vừa đi học chính khóa ở trường về chưa kịp ăn cơm, thì phải tức tốc đạp xe đi học thêm đến tận 21giờ mới về đến nhà. Hình ảnh nhiều học sinh một tay lái xe một tay cầm ổ bánh mì để tranh thủ ăn trên đường. Các học sinh đó nhiều khi bộc bạch: học như vậy rất mệt, nhưng biết làm sao. Tôi thật sự phải lè lưỡi khi nghe bạn H. cho biết lịch học của mình. Cậu ta học thêm đến 6 “cua” gồm toán, lý, hóa, ngoại ngữ trong đó môn Toán, Hóa học đến 2 thầy, cô. Từ thứ 2 đến thứ 7, học từ 13h30 đến tận 19h, có đêm đến 21h tối. Chủ nhật tưởng chừng cậu bạn đó có thời gian thở, vậy mà lại bận rộn hơn ngày thường bởi vì phải đi học thêm cả ngày.
Chúng ta thử làm một phép so sánh nho nhỏ giữa thời gian “chạy sô” học thêm  và thời gian tự học ở nhà như thế nào?
Mỗi ngày các bạn học từ 4 – 5 giờ đồng hồ ở trường, nếu không tính những buổi học thể dục hay những buổi ngoại khóa thì  có thể

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

dành ra ít nhất 6 – 7 giờ cho việc tự học ở nhà. Còn nếu bạn là “dân học thêm”, mỗi ngày ít nhất phải tham gia từ 2- 3 xuất học thêm, tức là đã làm mất 4 đến 5 giờ cho việc tự học, và thời gian chỉ còn còn 1- 2 tiếng dành cho tự học  mỗi ngày. Như vậy, làm sao giải quyết được hết tất cả bài tập trên lớp? Thường đi học thêm về đã quá mệt mỏi và lăn đùng ra ngủ, có cố gắng đi chăng nữa thì việc tiếp thu bài vở vào đầu cũng rất thấp, chẳng đem lại hiệu quả bao nhiêu.
Nếu  tự học ở nhà trong không gian yên tĩnh, bạn có thể thỏai mái và chủ động phân chia sắp xếp thời gian cho từng môn học. Còn nếu chạy sô đi học thêm thường phải mất 1 giờ rưỡi đồng hồ cho một xuất học. Chắc chắn rằng không hiệu quả bằng tự học ở nhà. Thực tế theo tôi thấy rằng, nhiều bạn đến lớp học thêm vì mệt quá nên úp mặt xuống ngủ một giấc ngay trong lớp. Tâm sự với T. một dân chuyên học thêm mà có lần tôi  hỏi tại sao không ở nhà ngủ lấy sức? T. thú thật “đến đây thầy cô dạy 10 phần hiểu 1- 2 phần cũng được”. Có bạn lại học như một cái máy, trên bảng thầy viết gì chép y vào vở như thế, hiểu được đến đâu và nhớ được bao nhiêu thì hay bấy nhiêu. Nếu khi thi trúng tủ thì “xổ” ra, không thì chịu chết.
Nếu biết thu xếp thời gian để học chính khóa ở lớp và tự học ở nhà, bạn vẫn còn thời gian dành cho việc giải trí như đọc sách báo, nghe nhạc, tham gia hoạt đông cộng đồng, nâng cao kỹ năng sống. Còn nếu “chạy sô” học thêm, bạn  mất hết thời gian vui chơi giải trí, khiến người luôn trong trạng thái mệt mỏi và dễ bị suy nhược, vì luôn thiếu thời gian và chịu nhiều áp lực. Vì vậy không những thiếu thời gian tự học mà còn ảnh hưởng đến sức tiếp thu trong những giờ học chính khóa.
Nhiều bạn biện minh cho lí do học thêm của mình rằng “hiện nay, chương trình học ngày càng nặng, lượng kiến thức truyền tải trên lớp không đáp ứng đủ, vậy nên phải đi học thêm”. Xin thưa, quan niệm này là hoàn toàn sai lầm, đã có rất nhiều tấm gương học giỏi mà chưa hề đi học thêm. Chẳng hạn như tấm gương của  bạn Võ Văn Huy, cựu học sinh trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Tây Hòa, Phú Yên) mà ai cũng biết tiếng. Huy vừa phải chăm sóc em gái bệnh tật vừa đi học, chưa bao giờ biết đến học thêm là như thế nào, vậy mà bằng nghị lực bản thân Huy đã đạt huy chương đồng cuộc thi toán quốc tế 2011 vừa qua.
Các bạn thấy đấy, “điểm cộng” luôn nghiêng về phía những học sinh biết nỗ lực tự học để hiểu sâu kiến thức học ở trường và biết cách vận dụng. Còn học thêm quá nhiều, không có thời gian đào sâu suy nghĩ và làm bài tập thì “chữ thầy lại trả cho thầy” dù có học thêm bao nhiêu.
Thật ra nếu biết học thêm một cách hợp lý thì điều đó cũng có lợi. Nếu bạn không tiếp thu được kiến thức của một môn học nào đó ở trên lớp, đồng tình với bạn có thể đi học thêm để nắm chắc kiến thức,  hoặc nâng cao trình độ. Có mục đích rõ ràng thì học thêm sẽ hiệu quả và mang ý nghĩa tích cực. Còn nhiều bạn đi học thêm theo “phong trào” giống như “cưỡi ngựa xem hoa” chạy suốt cả ngày mà “lòng dạ” để đâu đâu, thì việc đó chỉ làm mất thời gian, tốn tiền của cha mẹ và công sức của bản thân mà thôi.
Theo tôi, việc học thêm có kết quả ra sao phụ thuộc vào chính bản thân người đi học. Học thêm ít hay học nhiều, học hay không học đều là sự lựa chon của mỗi người. Vì vậy hãy chọn cho mình cách học tốt nhất và tích cực nhất, cần phải dành thời gian tự học để đào sâu bài và làm bài tập thì mới có hiệu quả. Còn việc học thêm sẽ không đem lại kết quả gì nếu như chiếm hết thời gian tự học và làm cho người quá mệt mỏi, không  đảm bảo sự cân bằng giữa việc học và giải trí lành mạnh, tích cực.

 

              Lê Văn Phong

                                                  Khu phố 4, phường Phú Thạnh, TP. Tuy Hòa, Phú Yên

 

LTS Dân trí - Bài viết trên đây đã phản ảnh và phân tích đúng thực trạng học thêm tràn lan theo “phong trào”  hiện nay. Nếu học thêm quá nhiều, học sinh không còn thời gian tự học và tự làm bài tập thì dù có học thêm bao nhiêu cũng không đem lại kết quả gì, vì điều đó hoàn toàn trái với nguyên lý học - tập, học phải gắn với hành, phải có suy nghĩ động não của người học và nhất thiết phải tự làm bài tập để hiểu sâu thêm kiến thức và biết cách vận dụng.

     Mong rằng các thầy cô giáo cũng như các bậc phụ huynh luôn quan tâm hướng dẫn phương pháp học tập cho học sinh và con em mình. Không để các em tiêu phí quá nhiều thời gian vào việc học thêm trong khi không coi trọng việc dành thời gian để tự học và tự làm bài tập ở nhà.