Bạn đọc viết:

Đâu phải cứ làm công chức mới cống hiến được cho nước nhà

(Dân trí) - Đọc bài viết “Nhiều đơn vị từ chối nhân lực chất lượng cao” tại tỉnh Thanh Hóa, tôi xin chia sẻ một ý kiến ngắn với các bạn đọc. Tôi ủng hộ quan điểm: làm việc ở đâu thì cũng là cống hiến cho nước nhà, cho xã hội.

(minh họa:  Ngọc Diệp)
(minh họa:  Ngọc Diệp)

 

Tôi may mắn nhận được học bổng toàn phần của Chính phủ Nhật Bản theo học chương trình đào tại Thạc sỹ tại đất nước mặt trời mọc. Để được nhận học bổng này, ngoài việc đáp ứng yêu cầu, vượt qua các vòng thi, cạnh tranh quyết liệt với các thí sinh khác, mỗi người đều phải viết cam kết quay trở về làm việc để cống hiến cho đất nước sau khi kết thúc khóa học.

 

Đó là yêu cầu hoàn toàn hợp lý vì là dự án đào tạo nguồn nhân lực giữa hai quốc gia. Tất cả các ứng viên trúng tuyển đều rất nghiêm túc cam kết và điều đó được thể hiện rõ trong vòng phỏng vấn cuối cùng với sự tham gia của đại diện Chính phủ Việt Nam. Nhưng lời khuyên của ngài Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam trong bữa tiệc chúc mừng các ứng viên trúng tuyển khiến chúng tôi lại băn khoăn suy nghĩ. Đại ý là Đại sứ nói: Sau khi hoàn thành khóa học, các bạn làm việc ở đâu thì cũng là cống hiến cho nước nhà, cho xã hội.

 

Nhìn lại thực trạng hiện nay ở nước ta, tôi nghĩ có lẽ nhà nước cần nhìn nhận lại vấn đề này khi xác định mục tiêu đưa lớp trẻ đi đào tạo để quay về làm việc tại các cơ quan nhà nước. Liệu có cần thiết phải “cứng nhắc” như vậy không bởi một khi người ta giỏi thì làm ở đâu họ cũng đều cống hiến cho nước nhà, cho xã hội cả.

 

Thậm chí, với vai trò là những doanh nhân giỏi, họ còn có thể góp phần tạo đà cho phát triển kinh tế, tạo cơ hội việc làm cho biết bao người khác. Thay vì lại phải cố gắng sắp xếp họ vào một cơ quan  nào đó, nhà nước có thể tạo điều kiện bằng chính sách để giúp họ phát huy hết năng lực của mình trên con đường kinh doanh.

 

Tôi nghĩ, các bạn đã được đi học theo chương trình này cũng nên xem xét lựa chọn tương lai cho bản thân. Các bạn được mệnh danh là “nhân sự chất lượng cao”, sao lại bị động ngồi chờ người khác quyết định tương lai hộ mình?

 

Và rồi sau gần 5 năm, tới nay tôi vẫn nghĩ rằng quan điểm của ngài Đại sứ Nhật Bản là hoàn toàn xác đáng. Nếu suy nghĩ thấu đáo, chúng ta sẽ nhận thấy rằng trách nhiệm của nhà nước cũng như cá nhân đều là vì một xã hội phát triển, văn minh.

 

NHC