Bạn đọc viết:

Nỗi ám ảnh và vòng luẩn quẩn đòn roi

(Dân trí) - Đáng sợ hơn là mặc dù biết đòn roi là không tốt, nhưng khi không có cách nào giải quyết bức bối, tôi lại phải dùng đến đòn roi với chính những đứa con yêu của mình… Bởi vì tôi không được dạy cách kiềm chế bản thân, dễ nổi nóng, dễ dùng bạo lực…

(minh họa từ internet)
(minh họa từ internet)

 

Tôi thấy trẻ hư hay không, chủ yếu là do lối giáo dục của cả xã hội bao gồm từ gia đình, nhà trường và cả ngoài đường phố nữa. Nếu gia đình tốt, xã hội tốt, nhà trường tốt, thì trẻ lấy đâu cái hư để học.

 

Đòn roi không giải quyết được vấn đề gì, phần lớn chỉ để lại chấn thương tâm lý và thái độ hằn học, bất hợp tác. Nếu thầy đánh mà trò thấy đau, thấy đánh là đúng thì thầy hãy đánh. Còn nếu không đủ tầm để làm cho trò hiểu ra điều đó, thì đừng đánh làm gì mất công, mà lại mất lòng trò và mất cả tình thầy - trò.

 

Bản thân tôi từ bé cũng là một đứa trẻ bị ăn nhiều đòn roi. Nhưng mà bố mẹ đánh, không giải thích, không cho con cơ hội trình bày, nên bị đánh thì mình chỉ thấy tức, thấy sợ mà không thấy phục.

 

Giờ khi lớn lên, có tấm lòng yêu bố mẹ thật đấy, nhưng ngại nói chuyện với bố mẹ, vì không thích thì ông bà thường lại lườm nguýt nọ kia. Nhiều khi muốn tâm sự với bố mẹ nhưng chẳng biết nói gì, vì từ bé bố mẹ chẳng tâm sự với con, chẳng dạy con cách chia sẻ.

 

Và đáng sợ hơn là mặc dù tôi biết đòn roi là không tốt, nhưng khi không có cách nào giải quyết bức bối, tôi lại phải dùng đến đòn roi với chính những đứa con yêu của mình, dù biết rằng nhiều khi chúng vô tội, không liên quan gì đến trận đòn mà chúng phải chịu. Đó là bởi vì tôi không được dạy cách kiềm chế bản thân, dễ nổi nóng, dễ dùng bạo lực để giải quyết vấn đề.

 

Xin các vị phụ huynh, các quý thầy cô hãy nhìn lại vào chính bản thân mình. Xem ngày xưa cha mẹ, thầy cô các vị đánh các vị, các vị có thực sự tâm phục khẩu phục hay không? Nếu có, thì xem họ đánh thế nào? Còn nếu không, thì hãy xem điều đó làm cho chính các vị nghĩ thế nào rồi hãy dùng với con cái các vị, với học trò của các vị.

 

Nguyen Thi Thu Dung 

email:  nguyenthudung.ntd@gmail.com