Bạn đọc viết:

Vẫn day dứt câu hỏi: Giáo dục có thật sự được xem là “quốc sách hàng đầu”?

(Dân trí) - Trong 10 năm gần đây, giáo dục Việt Nam có gì đổi mới? Đây là câu hỏi nhức nhối dành cho những nhà làm giáo dục, bao gồm cả những nhà giáo dục uyên thâm, đã từng đăng đàn đề nghị chấn hưng giáo dục.

(ảnh minh họa: vnu.edu.vn)
(ảnh minh họa: vnu.edu.vn)

 

Về thành tựu của phát triển giáo dục, đào tạo (GDĐT), Đại hội XI của Đảng đánh giá: “Đổi mới giáo dục đạt được một số kết quả bước đầu. Chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo trên 20% tổng chi ngân sách; việc huy động các nguồn lực xã hội cho GDĐT phát triển GDĐT ở vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm… Đến năm 2010,  tất cả các tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng, năm 2010 đạt 40% tổng số lao động đang làm việc”.

 

Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn lại những việc làm chính có tác động trực tiếp đến sự đổi thay của ngành giáo dục :

 

- Đổi mới nội dung chương trình theo hướng cuốn chiếu từ Tiểu học đến THPT:  ngay khi bắt đầu thay đổi chương trình ở cấp Tiểu học, dư luận đã xôn xao chuyện học sinh học chữ “e” trước chữ “a”. Lên cấp THPT, những người làm chương trình có sáng kiến cho song song tồn tại 2 bộ sách giáo khoa (Cơ bản và Nâng cao), học sinh đăng ký học theo ban (ban KHTN, ban cơ bản, ban KHXHNV)… Để rồi gần đây, chúng ta lại điều chỉnh, giảm tải. Việc phân ban có nguy cơ lại tiếp tục phá sản, khi số lượng học sinh đăng ký học ban cơ bản ngày càng cao. Bộ sách giáo khoa (SGK) nâng cao ít học sinh chọn học ở cấp THPT.

 

Dự đoán được nguy cơ phá sản của việc phân ban, gần đây Bộ lại triển khai quy chế xếp loại mới được áp dụng từ 1/2012, hoàn toàn không đề cập gì đến cụm từ “phân ban” hay “nâng cao”. Như vậy, việc đổi mới chương trình SGK một lần nữa đứng trên bờ vực thẳm. Công sức và tiền của đổ ra rất nhiều nhưng kết quả đạt được không như mong đợi mặc dù chúng ta cũng tổ chức lấy ý kiến,  thí điểm ở nhiều vùng miền khác nhau trên cả nước.

 

- Chấn chỉnh tình trạng thi cử : Có thể nói dấu son trong lịch sử giáo dục nước nhà trong thập kỷ qua phải kể đến việc chấn chỉnh công tác thi cử, mà nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã phát động, sau giọt nước làm tràn ly của thầy giáo Đỗ Việt Khoa. Nhưng thành công đó theo từng năm có dấu hiệu giảm dần về tính hiệu quả, có xu hướng trở lại điểm xuất phát của nó. Điều này ai cũng biết song rất ít người đang trực tiếp chỉ đạo dám nhìn nhận.

 

- Triển khai hàng loạt phong trào, cuộc vận động: Chúng ta thử liệt kê các phong trào trong ngành giáo dục trong thời gian qua. Đầu tiên là cuộc vận động “Hai không” (nói không tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục). Sau đó, vẫn phong trào “Hai không” nhưng phát triển hơn với 4 nội dung (nói không tiêu cực trong thi cử, bệnh thành tích trong giáo dục, nói không với vi phạm đạo đức nhà giáo và việc cho học sinh ngồi nhầm lớp).
 

“Thừa thắng xông lên”, ngành giáo dục tiếp tục phát động hàng loạt  cuộc vận động khác. Kết quả của nó là các cơ sở giáo dục trương lên rất nhiều panô, ápphích như: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”…Tựu trung lại thì các phong trào, cuộc vận động của ngành GDĐT trong những năm vừa qua chỉ là những lời “nhắc việc” mà bất kỳ một cơ sở giáo dục nào vốn cũng phải như thế.

 

Tìm mọi phương cách để nâng chất lượng của sản phẩm là mục tiêu hướng đến của mọi ngành nghề sản xuất trong xã hội. Giáo dục cũng không nằm ngoài quỹ đạo đó. Tuy nhiên, sự chuyển biến về lượng trong nỗ lực cải cách thì khá rõ ràng, còn về chất thì vẫn “bóng chim tăm cá”.

 

Hàng loạt trường Đại học mọc lên như nấm sau mưa, với mục tiêu đến năm 2020 chúng ta sẽ có 20 vạn tiến sĩ, chúng ta đã phổ cập thành công bậc học .v.v..  Rõ ràng căn bệnh thành tích trong giáo dục hiện nay không lây truyền qua những kênh thông tin chính thống, ít hiện hữu trong câu từ, văn bản, báo cáo ở các cấp cơ sở… nhưng nó đang lan nhanh bằng sự tự mãn của những nhà lãnh đạo quản lý GD.

 

Nguy hại hơn là hệ lụy của nó, mà qua các nguồn thông tin đại chúng gần đây đã dấy lên nhiều hồi chuông báo động về thực trạng giáo dục nước nhà. Tình trạng bạo lực học đường với những biến tướng đã làm đau lòng các bậc phụ huynh học sinh. Hình ảnh uy nghi, đạo đức của người thầy dần nhạt nhòa trong tâm trí học trò, khi người thầy với những lỗi lầm tày đình không  thể dung thứ như các vụ việc liên quan tới bảo mẫu Trần Thị Phụng (Bình Dương),  thầy Hiệu trưởng THPT Sầm Đức Xương (Hà Giang), giảng viên Cao đẳng Đỗ Tư Đông (Hà Nam) …

 

Đáng buồn hơn, có những tỉnh ký Quyết định cho ra đời những trường Đại học tư thục bề thế. Để rồi 4 năm sau cũng chính tỉnh ấy ra “sắc lệnh” không tuyển sinh viên ngoài công lập vào làm việc, để lại bao xót xa, ngao ngán với không ít sinh viên hăm hở ra trường khóa đầu tiên. Nhiều quan chức đương nhiệm khi phát biểu vẫn hô hào, ngợi ca trường A, trường B…tuy nhiên, con em họ lại gửi ra nước ngoài học tập. Hơn lúc nào hết niềm tin của người học bị rung lắc mạnh.

 

Tại sao hàng loạt những nhà cải cách giáo dục thành tâm hiến kế, góp  ý để xây dựng cho giáo dục Việt Nam, nhưng các nhà  quản lý hình như vẫn phớt lờ, mặc dù họ vẫn nói và viết “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”? Lý giải cho hiện tượng nghịch lý này, chúng ta thử đi tìm nguyên nhân :

 

1. Còn đâu “Sĩ, Nông, Công, Thương”?

 

Xã hội thời phong kiến đã xếp thứ bậc 3 yếu tố lần lượt là  “Quân-Sư-Phụ”. Hình ảnh người thầy vẫn xếp sau Vua, mặc dù đặt trước Cha Mẹ. Quyền quyết định cuối cùng vẫn là uy lực của những nhà cầm quyền. Mặt khác, thời phong kiến người ta đã phân định rạch ròi theo thứ bậc nghề nghiệp : Sĩ, Nông, Công, Thương. Trong quan niệm người Việt ta xưa cho rằng nghề kinh doanh (Thương) chỉ là buôn nước bọt, mua chỗ này rẻ rồi bán chỗ kia đắt, ăn chênh lệnh, không làm ra của cải vật chất, sản phẩm tinh thần cho xã hội. Vì thế các thương nhân được xếp hàng thứ 4.

 

Quan niệm này đến nay đã thay đổi. Những doanh nhân thành đạt góp phần rất lớn kiến thiết đất nước, họ tạo công ăn việc làm cho người dân, họ đóng thuế thu nhập cao. Thậm chí, Nhà nước ta còn dành riêng một ngày để nhớ ơn họ, gọi là ngày Doanh nhân Việt Nam (ngày 13 tháng 10 hàng năm). Rõ ràng đã có một sự thay đổi ngoạn mục về thứ bậc nghề nghiệp giữa 2 giai tầng “sĩ” và “thương” trong xã hội. Từ một góc nhìn nào đó, doanh nhân, thương gia được trọng vọng hơn tầng lớp trí thức, trong đó có những thầy giáo, cô giáo. Và hướng sắp tới, Bộ GDĐT chuẩn bị đưa nội dung “nghề kinh doanh” vào chương trình dạy nghề lớp 11 THPT (theo báo Thanh Niên, ngày 09/10/2102). Theo tôi, đây là một sự “cổ súy” làm lu mờ thêm giá trị của “nghề cao quý trong những nghề cao quý”!

 

Để cải tạo môi trường sống của con người, đôi khi chúng ta phải uốn nắn dòng chảy cho phù hợp. Quan niệm tức thời, vội vàng ca tụng một  hiện tượng cũng là một nhược điểm thường thấy ở những nhà quản lý. Vì vậy, đề cao tầng lớp doanh nhân là chủ trương đúng đắn, nhưng không thể xem nhẹ vai trò của những người trí thức, đặtcbiệt là đội ngũ trí thức trong ngành giáo dục.
 
2. Sự “lép vế” của những nhà QLGD

 

2. Sự “lép vế” của những nhà QLGD

 

Trong thực tế ngành giáo dục không làm ra của cải vật chất, mà ngược lại  ngành giáo dục còn “tiêu” rất nhiều tiền. Mà muốn tiêu tiền, ngành giáo dục phải “xin”: Xin kinh phí, xin sửa cái này, xin xây dựng cái kia, xin chủ trương, thậm chí xin được bổ nhiệm người nọ, kẻ kia …tất cả trăm điều đều phải xin. Khi chúng ta đi “xin” thì tâm lý thường nhún nhường, khép nép, nhỏ nhẹ, một sự “lép vế” dần hình thành.

 

Mà tiếng nói nhỏ nhẹ, tư thế khép nép, nguyện vọng lúc nào cũng… “mong được chấp thuận”, vô tình tạo nên một phong thái yểm thế ngay ở những người đứng đầu ngành giáo dục. Giá trị chân lý của giáo dục là “quốc sách hàng đầu” ai cũng chấp nhận. Nhưng chân giá trị thực của những người làm ngành giáo dục ít nhiều chưa phát huy được tiếng nói độc lập của mình.

 

Chúng tôi lấy ví dụ : Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Giám đốc Sở giải trình vì sao tỉ lệ tốt nghiệp THPT thấp hơn tỉnh A, B, C. Thay vì Giám đốc Sở phải nhìn nhận thực tế tỉ lệ như thế là hợp lý với tỉnh ta, người đứng đầu giáo dục của tỉnh lại biện luận do tỉnh  A như thế này, tỉnh B thế kia…Và ngay năm sau, đồng chí giám đốc bằng mọi cách phải làm cho tỉ lệ tốt nghiệp tỉnh nhà cao lên và phải hơn tỉnh bạn, dỳ trong thâm tâm (giám đốc và những người trong ngành) phải thừa nhận đó không phải là con số thật.

Hãy xem thêm đoạn chất vấn về “dạy thêm học thêm” trong ngành giáo dục giữa Bí thư Đà Nẵng (ông Nguyễn Bá Thanh) và GĐ Sở GD-ĐT (Lê Trung Chinh) trong một buổi họp HĐND thành phố được đăng trên Dân trí, ngày 06/12/2012:

 

 

Qua đó có thể thấy những “truy vấn đến cùng” của lãnh đạo theo kiểu “miệng nhà quan có gang có thép” mà không thấy giải pháp, nhiệm vụ gì cụ thể nhằm giúp cấp dưới hoàn thành tốt nhiệm vụ. Còn đồng chí GĐ Sở, dưới quyền mình có tới cả ngàn cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ, kỹ sư, những danh hiệu ưu tú này nọ…nhưng “chấp nhận” chọn giải pháp ôn hòa, tránh đối đầu, đành làm con cua đi ngang con ếch cho nó vỗ vài cái, thậm chí cho nó nuốt cũng chẳng sao (!).

 

Nhưng suy nghĩ và hành động đó của những nhà Quản lý giáo dục vô tình tạo ra cho các nhà lãnh đạo Nhà nước những “phân vân nghi ngại”  không đáng có khi lắng nghe những góp ý thẳng thắn của những nhà cải cách giáo dục tâm huyết. Và đó cũng là nguyên nhân vì sao trong mấy thập kỷ qua đất nước chúng ta có những bậc trí thức uyên thâm hiến kế chấn hưng giáo dục nhưng đổi lại các nhà lãnh đạo vẫn nghi ngại và cho trôi vào quên lãng.

 

3. Chất lượng ảo của sản phẩm giáo dục

 

Chúng tôi thử đưa ra những so sánh như thế này : Việt Nam có 1.6% dân số hiện là sinh viên, Trung Quốc hiện chỉ 1.1%. Tuy nhiên, nước Mỹ hiện nay phải sang Trung Quốc để nghiên cứu vì sao những năm gần đây Trung Quốc lại trỗi dậy với nhiều nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới. Hoặc Việt Nam và Thái Lan. Việt Nam hơn hẳn Thái Lan về số lượng tiến sĩ, nhưng số lượng bài viết đăng trên tạp chí khoa học quốc tế của Thái Lan lại hơn hẳn ta và giáo dục của họ cũng hơn ta. Chúng ta đang phình to về số lượng. Muốn đạt được những con số khổng lồ, chúng ta phải tốn rất nhiều kinh phí. Kinh phí thì tốn thật nhưng chất lượng thì ảo.

 

Minh chứng cho chất lượng ảo  đó, chúng ta thử nêu vài hiện tượng nóng bỏng của xã hội Việt Nam gần đây. Tân Tư lệnh ngành giao thông vận tải Đinh La Thăng khi mới lên nhậm chức tìm mọi giải pháp để chống ùn tắc giao thông ở 2 thành phố lớn, một vấn nạn được cảnh báo ngay từ rất sớm.  Mà thực tế ngành GTVT có đến 1000 GS, TS (theo tác giả Trần Đình Bá nêu trong bài “Trí thức không thể “trùm chăn” chờ hiến kế!”, đăng trên Tuần Việt Nam) với biết bao công trình nghiên cứu…

 

Tuy nhiên, kết quả tai nạn giao thông vẫn tăng, đường sá vẫn tắc. Hay tình trạng hàng loạt xe 2 hánh, 4 bánh, thay nhau bốc cháy, đang chạy cũng cháy, tắt máy cũng cháy, để trong nhà ban đêm cũng cháy…mà các nhà khoa học chẳng thấy ai giải thích nguyên nhân ? Trong khi đó trong cả nước có biết bao nhiêu là trung tâm, viện nghiên cứu…chẳng biết họ đang làm gì?

 

Mấy hiện tượng kể trên không biết có liên quan gì đến giáo dục không, nhưng phải nhìn nhận chuyên môn sâu của các nhà khoa học chúng ta có vấn đề.

 

Viết đến đây, chúng tôi tự nhiên nhớ  đến hình ảnh Khổng Tử thời Xuân Thu đi thuyết khách về tư tưởng triết học giáo dục của mình, khi thì bị vây ở nước này, lúc bị  khốn đốn ở nước khác. Nhưng cuối cùng tư tưởng giáo dục của Khổng Tử sau hơn hàng nghìn năm vẫn tỏa sáng. Chúng tôi hy vọng những ý kiến tâm huyết đóng góp của những nhà Giáo dục Việt  Nam hiện nay không dám ví như Khổng Tử, nhưng ít nhiều cũng cứu nguy cho giáo dục nước nhà, không ở  hiện tại thì tương lai. Chỉ có điều, tất cả chúng ta dù ở vị thế, vai trò nào cũng phải bắt đầu từ những điều tưởng như vụn vặt nhất đó là biết lắng nghe, thanh lọc và áp dụng.

 

Nguyễn Hữu Tâm (Bà Rịa-Vũng Tàu)