Bà con vùng cam Cao Phong canh tác hữu cơ để thoát nghèo bền vững

Khôi Vũ

(Dân trí) - Nhiều năm qua, cây nông sản chủ lực giúp nhiều bà con Cao Phong thoát nghèo là cam.

Thời gian qua, nhằm thực hiện hóa nội dung Dự án 3 (Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, huyện Cao Phong (Hòa Bình) đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, bước đầu cho kết quả tích cực.

Mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm 3,58%, cao hơn so với kế hoạch đề ra là 3%/năm.

Một trong những cây nông sản chủ lực giúp nhiều bà con Cao Phong thoát nghèo là cam, trong đó nổi tiếng là cam lòng vàng và cam canh. Tuy nhiên, trước đây, bà con lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật nên đất trồng ngày càng chai lỳ, bạc màu, chất lượng cam không cao.

Bên cạnh đó, hiện nay, cây cam đã được trồng nhiều nơi với diện tích lớn, bão hòa thị trường nên không thể trồng theo kiểu ăn xổi, mà phải tạo được sự khác biệt về chất lượng. Muốn làm được điều đó, trước hết người trồng cần ưu tiên sử dụng các loại phân bón hữu cơ, hữu cơ vi sinh kết hợp với sử dụng phân bón vô cơ cân đối, hợp lý. Đây là biện pháp rất quan trọng trong việc phục hồi khả năng sản xuất và tăng độ phì nhiêu của đất đã bị thoái hóa.

Chính vì vậy, huyện miền núi Cao Phong xác định việc thực hiện tái canh theo hướng hữu cơ sẽ là hướng đi bền vững.

Bà con vùng cam Cao Phong canh tác hữu cơ để thoát nghèo bền vững - 1

Toàn huyện Cao Phong hiện có 1.744,4 ha cây có múi, sản lượng niên vụ 2022 - 2023 ước đạt khoảng 22.000 tấn (Ảnh: Vũ Khôi).

Huyện Cao Phong đang đẩy mạnh việc hỗ trợ thành lập và nâng cao năng lực hoạt động của các hợp tác xã, đặt mục tiêu trong 5 năm tới ít nhất 75% số hộ sản xuất là thành viên của doanh nghiệp và được giám sát chặt chẽ về quy trình canh tác, đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời kiên quyết xử lý các trường hợp sản xuất, kinh doanh buôn bán giống cây ăn quả có múi không đảm bảo các yêu cầu theo tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia đã quy định.

Theo thông tin từ UBND tỉnh Hòa Bình, toàn huyện Cao Phong hiện có 1.744,4 ha cây có múi, sản lượng niên vụ 2022 - 2023 ước đạt khoảng 22.000 tấn. Riêng diện tích cam khoảng 1.500 ha, sản lượng ước 18.000 tấn, trong đó, diện tích cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 536,77 ha. Với chất lượng tốt, cam Cao Phong có mặt ở nhiều hệ thống siêu thị lớn, được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn, trở thành nông sản đặc trưng, tiêu biểu nhất, là thế mạnh để huyện thúc đẩy kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Đầu năm 2023, cam Cao Phong đã vươn ra thị trường thế giới với sự kiện xuất khẩu lô cam Cao Phong gồm 7 tấn sang thị trường Vương quốc Anh.

Bà con vùng cam Cao Phong canh tác hữu cơ để thoát nghèo bền vững - 2

Cam Cao Phong trồng theo hướng hữu cơ được ưa chuộng trên thị trường (Ảnh: Vũ Khôi).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hòa Bình đã đề xuất UBND tỉnh triển khai thực hiện cải tạo quỹ đất an toàn, xử lý đất đảm bảo độ an toàn về sâu bệnh gây hại trong đất, phục vụ việc trồng tái canh cây cam. Dự kiến, đầu tư trên diện tích khoảng 800 ha, thực hiện trên địa bàn các xã, thị trấn của huyện Cao Phong nằm trong Đề án tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Dự án khi được triển khai sẽ góp phần cải tạo môi trường đất cho diện tích dự kiến trồng tái canh khoảng 800 ha.