Quảng Bình:

Độc đáo cây đàn của người Mã Liềng dành riêng cho phụ nữ

(Dân trí) - Đàn ống là một loại nhạc cụ làm từ tre, nứa được người Mã Liềng sáng tạo và truyền qua nhiều thế hệ. Theo người Mã Liềng, người chơi loại nhạc cụ độc đáo này phần lớn là phụ nữ.

Đàn ống của người Mã Liềng ở huyện miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình) được chế tạo bằng chất liệu sẵn có như tre, nứa. Loại nhạc cụ này có chiều dài khoảng 70 cm (thường theo chiều dài của đốt tre, nứa), chất liệu đơn sơ, giản dị mà mộc mạc, phải mất một quá trình dài kỳ công, người ta mới cho ra một sản phẩm hoàn mỹ.

Để làm ra một cây đàn ống, người Mã Liềng phải vào tận trong rừng, tìm những cây tre, nứa già có đốt to, mỏng và dẹt, sau đó mang về chọn đốt dưới cùng treo ở gác bếp hong khô để làm thân đàn.

Độc đáo cây đàn của người Mã Liềng dành riêng cho phụ nữ - 1

Đàn ống là một loại nhạc cụ đặc trưng của người Mã Liềng.

Dây đàn cũng hết sức quan trọng, đây là bộ phận chủ yếu quyết định âm thanh trầm, bổng hay độ vang của đờn vì vậy người dân thường chọn dây thân leo tách lấy vỏ xoắn lại và hơ qua lửa nhiều lần. Sau khi chuẩn bị đủ nguyên, vật liệu họ dùng dao chẻ một đầu ống tre, nứa ra thành nhiều phần bằng nhau nhưng vẫn đảm bảo được đầu ống không bị hư hại. Đầu còn lại được đục một lỗ nhỏ và căng hai sợi dây dọc thân, một sợi căng và một sợi chùng.

Theo những người Mã Liềng, phần lớn người chơi đàn ống là phụ nữ, họ truyền cách chơi đàn từ mẹ sang con gái, bởi vậy kỹ thuật và nghệ thuật chơi đàn ống của phụ nữ Mã Liềng thường hay hơn đàn ông. Cũng có nhiều người đàn ông thử chế tác đàn và sử dụng nhưng không hay bằng phụ nữ.

Độc đáo cây đàn của người Mã Liềng dành riêng cho phụ nữ - 2

Để làm ra một cây đàn ống, người Mã Liềng phải vào tận trong rừng, tìm những cây tre, nứa già có đốt to, mỏng và dẹt, sau đó mang về chọn đốt dưới cùng treo ở gác bếp hong khô để làm thân đàn.

Tìm đến nhà nghệ danh Phạm Thị Lưu, một người phụ nữ thuần thục, có kinh nghiệm làm đàn và chơi đàn giỏi của người Mã Liềng. Sinh ra và lớn lên trong tiếng đàn, bà đã quen thuộc với âm thanh, cảm xúc xen lẫn tình yêu thương của con người được gửi gắm trong tiếng đàn. Bởi thế, bà càng yêu và trân quý hơn loại nhạc cụ độc đáo của dân tộc mình.

Bà Lưu cho hay, chơi đàn không chỉ là hình thức giải trí mà tiếng đàn còn mang ý nghĩa giao duyên, tình yêu đôi lứa. Con gái Mã Liềng nơi đây bằng những cảm xúc hay tâm sự đều thể hiện qua tiếng đờn, âm thanh, nhịp điệu trên từng cung bậc của tiếng đàn.

Độc đáo cây đàn của người Mã Liềng dành riêng cho phụ nữ - 3

Theo những người Mã Liềng, phần lớn người chơi đàn ống là phụ nữ, họ truyền cách chơi đàn từ mẹ sang con gái,

Khi nghe hay thưởng thức tiếng đàn có thể hiểu được tâm trạng của người chơi đàn đang vui hay đang buồn, có thể là đang yêu hoặc có nhiều nỗi lòng được gửi gắm và trong điệu nhạc. Chính vì sự bày tỏ nỗi lòng của các cô gái mà những chàng trai trong vùng cảm thụ, đồng cảm với chủ nhân tiếng đàn khiến cho họ cảm thấy gần gũi, chia sẻ và dần nên duyên với nhau.

Ngoài ra, đàn ống còn được người Mã Liềng dùng trong các lễ hội, dịp cưới xin, ma chay, lễ cúng thần rừng… tùy thuộc vào những hoàn cảnh khác nhau, họ đánh theo nhịp điệu khác nhau.

Tiến Thành