Đổi mới đào tạo nguồn nhân lực giảng dạy ngoại ngữ

PV

(Dân trí) - Trong bối cảnh toàn cầu hóa, năng lực ngoại ngữ trở nên quan trọng với người trẻ, dẫn đến việc đào tạo nguồn nhân lực giảng dạy ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, thay đổi để đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra quyết định: Tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Trong khi dư luận có không ít ý kiến không đồng tình, nhiều chuyên gia lại xem đó là tín hiệu học thực chất.

Trao đổi cùng chúng tôi, TS Nguyễn Hồng Giang - Phó trưởng khoa Tiếng Anh, Đại học Hà Nội - cho biết, chưa thể nhìn nhận chính xác những ảnh hưởng của quyết định này về sau.

Tuy nhiên, ở Việt Nam và trên thế giới hiện tại, trang bị năng lực tiếng Anh nói riêng và ngoại ngữ nói chung vẫn là trọng tâm và là ưu tiên lớn.

Việc thành thạo ngoại ngữ là lợi thế không hề nhỏ cho các bạn trẻ khi giúp họ có hiểu biết sâu sắc về thế giới xung quanh, tạo ra tinh thần đa văn hóa và mở ra các cơ hội làm việc toàn cầu.

"Chính vì vậy, tôi tin rằng, quyết định vừa qua sẽ không ảnh hưởng quá nhiều đến trào lưu học ngoại ngữ hiện nay của các bạn học sinh, sinh viên cũng như sự phát triển của các chương trình đào tạo giảng dạy ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục", bà nhận định.

Đổi mới đào tạo nguồn nhân lực giảng dạy ngoại ngữ - 1

TS Nguyễn Hồng Giang đánh giá trào lưu giảng dạy và học tập ngoại ngữ vẫn có "đất" phát triển, dù tiếng Anh trở thành môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT (Ảnh: NVCC).

Theo TS Nguyễn Hồng Giang, hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học và sau đại học ở Việt Nam từng bước đổi mới mô hình cũng như cách thức đào tạo nguồn nhân lực giảng dạy ngoại ngữ. Các khóa học và chương trình đào tạo này thu hút đối tượng người học khá đa dạng: Có những bạn vừa ra trường, một số bạn đã đi làm và vừa học vừa làm…

Trong đó, có thể kể đến Chương trình đào tạo Thạc sĩ chuyên ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy tiếng Anh và tiếng nước ngoài (MTESOL) liên kết giữa Đại học Hà Nội và Đại học Canberra, Úc.

Với tư cách là phó giám đốc chương trình MTESOL, bà Giang chia sẻ: "Chương trình được kết hợp tốt giữa lý thuyết và thực hành. Qua các môn học, người học được trang bị các kiến thức về ngôn ngữ và phương pháp giảng dạy ngôn ngữ; cùng với đó có các cơ hội thực hành, thực hiện nghiên cứu…".

Sau 5 năm thực hiện, chương trình có hơn 500 học viên theo học, trong đó có 183 học viên đã tốt nghiệp ở giai đoạn 2. Không chỉ những sinh viên tốt nghiệp cử nhân ngành ngôn ngữ hay sư phạm ngoại ngữ, sinh viên các ngành kinh tế, luật, báo chí… đều có thể tham gia.

"Điều này sẽ giúp đào tạo ra nguồn nhân lực rất lớn, không chỉ trong lĩnh vực ngôn ngữ mà còn các lĩnh vực khác có liên quan, ở Việt Nam cũng như trong khu vực", bà Giang cho biết.

Phạm Anh Đức