Đồng bào dân tộc ở Cao Bằng được học nghề để phát triển kinh tế

Hồng Anh

(Dân trí) - Thông qua các hoạt động đào tạo nghề, Cao Bằng trang bị cho đồng bào các dân tộc những kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học vào thực tiễn sản xuất.

Cao Bằng là tỉnh miền núi phía Bắc có khoảng 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Trong đó, dân tộc Tày chiếm đa số với 40,83%, Nùng 29,81%. Ngoài ra còn có người Sán Chỉ, Lô Lô, Mông…

Để thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các ban ngành của tỉnh Cao Bằng đã phối kết hợp thực hiện nhiều chính sách giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc nơi đây.

Đồng bào dân tộc ở Cao Bằng được học nghề để phát triển kinh tế - 1

Phụ nữ ở Cao Bằng trồng nấm rơm để phát triển kinh tế (Ảnh: Báo Cao Bằng).

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, các hộ nghèo, hộ cận nghèo đã nắm bắt được việc làm, tham gia học nghề để làm các công việc phù hợp với thế mạnh sản xuất của địa phương.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Cao Bằng, 6 tháng đầu năm 2023, có hơn 11.000 người lao động tham gia đăng ký học các nghề liên quan đến kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, thú y, lâm sinh, quản lý tài nguyên rừng, điện dân dụng, sữa chữa máy nông nghiệp…

Từ năm 2020 đến nay, toàn tỉnh tổ chức được gần 300 lớp đào tạo nghề nông nghiệp. Đối tượng tham gia học nghề chủ yếu là người dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc đối tượng người có công.

Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn, lao động vùng sâu vùng xa giúp người dân tiếp cận được những kiến thức cơ bản về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất.

Qua đó người dân nắm được các kỹ thuật để tăng năng suất lao động, tăng giá trị hàng hóa, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Không ít làng nghề truyền thống ở Cao Bằng đang dần mai một. Vì vậy, tỉnh này đã quy hoạch các điểm nghề, làng nghề, để có chiến lược phát triển phù hợp với từng địa phương, đồng thời hỗ trợ đào tạo tay nghề, nâng cao chất lượng, cải tiến sản phẩm gắn với thị hiếu người tiêu dùng.

Bên cạnh việc được trang bị kỹ năng, kiến thức nhiều người dân còn có cơ hội tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư phát triển các mô hình kinh tế. Sáu tháng đầu năm 2023, có 2.275 lượt hộ nghèo vay 133,7 tỷ đồng, 768 lượt hộ cận nghèo vay 51,2 tỷ đồng, 37 hộ mới thoát nghèo vay 2,6 tỷ đồng…

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đẩy mạnh phong trào "Giúp nhau phát triển kinh tế gia đình" với nhiều cách làm hiệu quả. Nhiều chị em phụ nữ đã được tham gia lớp học kỹ thuật trồng chè, trồng hồi, chăn nuôi...

Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình tại Cao Bằng không chỉ làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nhiều phụ nữ mà còn giúp chị em có cơ hội tham gia sản xuất, kinh doanh, thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.