DMagazine

Giải mã những bí mật ít biết của người Mã Liềng bên dãy Giăng Màn

(Dân trí) - Sống tại các bản làng bên dãy Giăng Màn, phía Tây Quảng Bình, người Mã Liềng đang dần hòa với nhịp sống hiện đại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo, riêng biệt.

Người Mã Liềng thuộc dân tộc Chứt, vào những năm 90 của thế kỷ trước, họ chủ yếu sống trong các hang đá hay nhà sàn đơn sơ trên dãy Giăng Màn. Sau khi được chính quyền vận động, đồng bào Mã Liềng đã về tập trung định cư và xây dựng nhà cửa, tăng gia sản xuất ở các bản Kè, Cáo, Chuối và Cà Xen, thuộc 2 xã Lâm Hóa, Thanh Hóa (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình).

Không chỉ ổn định về nơi ở, đời sống của người Mã Liềng cũng đang ngày một nâng lên, hòa với nhịp sống hiện đại vùng xuôi nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo, những phong tục tập quán đặc sắc riêng của mình, lưu truyền qua nhiều thế hệ, tạo nên sự đa dạng về văn hóa của các dân tộc Việt Nam.

Giải mã những bí mật ít biết của người Mã Liềng bên dãy Giăng Màn - 2
Giải mã những bí mật ít biết của người Mã Liềng bên dãy Giăng Màn - 4

Trong những ngôi nhà sàn của người Mã Liềng khi được dựng lên tuân thủ chặt chẽ những điều kiêng kỵ. Không gian sử dụng nhà sàn cũng được quy định "ngầm" một cách rõ ràng giữa các thành viên trong gia đình, rất khó lòng vượt qua tục lệ đó. Trong số đó phải kể đến căn buồng thiêng thờ "ma nộ" mà không phải ai cũng có thể bước vào.

Đến với các bản làng của người Mã Liềng, không khó để nhận ra những ngôi nhà của đồng bào nơi đây phần lớn đều quay mặt về hướng Nam hoặc Đông Nam, tựa lưng vào chân núi Giăng Màn. Trong căn nhà cũng không tìm thấy bàn thờ tổ tiên, mà chỉ có một gian buồng được đóng kín mít, "bất khả xâm phạm", ngay cạnh một bếp lửa gần như được thắp sáng quanh năm.

Giải mã những bí mật ít biết của người Mã Liềng bên dãy Giăng Màn - 6

Căn buồng này người Mã Liềng vẫn thường gọi là "buồng thiêng", luôn gài kín bằng các loại gỗ tốt, với một lối đi vào được che chắn bởi tấm rèm hoặc cửa. Trong buồng đặt bàn thờ, với bát hương thờ "ma nộ".

"Nộ trong tiếng của người Mã Liềng có nghĩa là nỏ, cung tên. Gian buồng thiêng này chỉ cho phép đàn ông của gia đình bước vào. Cấm tuyệt đối phụ nữ hay người lạ vào đây", ông Cao Dụng, già làng bản Kè, xã Lâm Hóa chia sẻ.

Giải mã những bí mật ít biết của người Mã Liềng bên dãy Giăng Màn - 8

Giải thích về tục thờ "ma nộ" trong căn "buồng thiêng", già Dụng cho biết, "nộ" là báu vật linh thiêng nhất đối với người Mã Liềng. Nó được xem như chiếc bùa hộ mệnh, biểu hiện cho sức mạnh con người, cũng là phương tiện phục vụ đắc lực của mỗi người đàn ông khi vào rừng, gắn đời sống của mình với rừng thiêng. 

Ngày nay, chấp hành chủ trương của Nhà nước, người Mã Liềng không còn dùng nộ (nỏ, cung tên) vào rừng săn bắn như trước, nhưng đồng bào vẫn tôn kính vật dụng này, đặt nó ở vị trí cố định trên "chà bài" trong "buồng thiêng" để thờ cúng, cầu cho gia đình được yên ổn, an bình.

Giải mã những bí mật ít biết của người Mã Liềng bên dãy Giăng Màn - 10

Không chỉ "buồng thiêng", những cấu trúc trong gian nhà tưởng chừng đơn sơ của người Mã Liềng còn ẩn chứa những huyền bí. Trong đó, căn nhà sàn được trổ hai cửa ở hai hướng và phải có hai cầu thang, dành riêng cho nam và nữ. Khi khách đến chơi sẽ được người chủ nhà hướng dẫn cầu thang lên xuống, khách nam ngồi phía phòng có cầu thang cho nam, nữ ngồi phía phòng có cầu thang cho nữ.

Các cây cột trong nhà còn mang tên và luật lệ riêng biệt. Đặt biệt, có cột con rể và cột con dâu, nằm ở phía hai phòng dành cho nam và nữ. Cột con rể là nơi con trai đến ngồi để tìm hiểu người con gái và ngược lại. 

Ngoài ra, khung cửa sổ ở gian phòng của nam còn được gọi là cửa ma. Người ngoài không được phép đi vào nhà từ lối này, hay khi ngồi trong nhà cũng không thò đầu ra ngoài cửa sổ.

Giải mã những bí mật ít biết của người Mã Liềng bên dãy Giăng Màn - 12

"Người Mã Liềng có tập tục, khi nhà có người chết thì phải chuyển đi mai táng từ đường cửa sổ chứ không phải cửa chính, việc này là bởi dân bản quan niệm để linh hồn người chết không nhớ đường quay về, quấy phá người trong gia đình", già làng Cao Điện, ở bản Cáo, xã Lâm Hóa cho biết.

Những người tới chơi nhà người Mã Liềng cũng cần lưu ý không huýt sáo trong nhà. Bởi theo già làng Cao Điện, hành động huýt sáo thể hiện sự bất kính với các vị "ma nhà". Bên cạnh đó, người dân tộc trên dãy Giăng Màn luôn có những ngầm ý riêng với thiên nhiên, họ đặc biệt sợ tiếng sét. Nếu mưa to kèm theo sấm sét, những người Mã Liềng đều sẽ ở trong nhà cho dù hết gạo, hết thức ăn.

Giải mã những bí mật ít biết của người Mã Liềng bên dãy Giăng Màn - 14

Dọc theo những dãy nhà của người Mã Liềng, đôi lần người khách từ dưới xuôi sẽ may mắn lắng nghe được âm thanh độc đáo của một "báu vật" chỉ dành cho phụ nữ nơi đây. 

Đó là đàn ống, đã được sáng tạo và truyền qua nhiều thế hệ, giữ nguyên dáng vẻ của một loại nhạc cụ từ thủa sơ khai. Theo người Mã Liềng, phần lớn người chơi đàn ống là phụ nữ, truyền nhau cách chơi đàn từ mẹ sang con gái. Do vậy, kỹ thuật và nghệ thuật chơi đàn ống của phụ nữ Mã Liềng thường hay hơn đàn ông.

Ống đàn được chế tạo bằng chất liệu sẵn có như tre, nứa, có chiều dài khoảng 70cm (thường theo chiều dài của đốt tre, nứa). Từ những chất liệu mộc mạc của thiên nhiên, người Mã Liềng kỳ công sáng tạo, đẽo gọt để làm nên một sản phẩm hoàn mỹ. 

Đầu tiên, người Mã Liềng vào rừng tìm cây tre, nứa già, có đốt to, mỏng và dẹt, sau đó mang về chọn đốt dưới cùng treo ở gác bếp, hong khô để làm thân đàn. Sau đó mới chuẩn bị dây đàn, là dây thân leo, được tách lấy vỏ xoắn lại và hơ qua lửa nhiều lần.

Giải mã những bí mật ít biết của người Mã Liềng bên dãy Giăng Màn - 16

Sau khi có đủ nguyên, vật liệu, người nghệ nhân dùng dao chẻ một đầu ống tre, nứa ra thành nhiều phần bằng nhau, đầu còn lại thì đục một lỗ nhỏ và căng hai sợi dây dọc thân, một sợi căng và một sợi chùng, giúp tạo nên thứ âm thanh lạ tai, mang nét riêng của người dân tộc Mã Liềng.

Âm thanh từ cây đàn ống cũng là giai điệu cảm xúc, tâm sự của người con gái, mang ý nghĩa giao duyên và tình yêu đôi lứa. Những người con gái Mã Liềng đều mượn tiếng đàn để bày tỏ tâm tình của mình.

Bà Phạm Thị Lưu là người phụ nữ Mã Liềng gắn bó với cây đàn từ tuổi trăng tròn. Bà đã quen thuộc với âm thanh và những cảm xúc gửi gắm trong giai điệu từ cây đàn ống. Khi nghe, mỗi người Mã Liềng đều có thể thấu hiểu phần nào tâm trạng của người chơi đàn. 

Tiếng đàn vang lên thể hiện niềm vui, nỗi buồn, tâm sự của người đang yêu, nhiều người tìm được sự đồng điệu và đến với nhau qua tiếng đàn. Đàn ống còn được người Mã Liềng dùng trong các lễ hội, cưới xin, ma chay, lễ cúng thần rừng… tùy thuộc vào những hoàn cảnh khác nhau, họ đánh theo nhịp điệu khác nhau.

Giải mã những bí mật ít biết của người Mã Liềng bên dãy Giăng Màn - 18

Ngày nay, đời sống của bà con người Mã Liềng đã được nâng cao và hòa nhịp với cuộc sống xã hội hiện đại.

Chia sẻ với Dân trí, ông Nguyễn Văn Phúc, Bí thư Đảng ủy xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa cho biết, trên địa bàn xã này, người Mã Liềng sống tại 3 bản Kè, Cáo và Chuối với 153 hộ, 555 nhân khẩu.

Nhờ sự quan tâm của Nhà nước cũng như sự nỗ lực của chính quyền địa phương, giờ đây, cơ sở hạ tầng, điện đường trường trạm của các bản người Mã Liềng đã hiện đại hơn rất nhiều, nhận thức người dân cũng thay đổi, bà con dần bắt nhịp được với cuộc sống hiện đại, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch với các dân tộc khác.

"Khoảng cách giữa vùng xuôi và vùng ngược đang dần được thu hẹp dần, giúp bà con tiếp cận nhiều hơn với các tiến bộ của xã hội, các hủ tục được bài trừ. Riêng những nét văn hóa đặc trưng xưa thì vẫn luôn được người Mã Liềng lưu giữ, tạo dấu ấn của bà con đồng bào nơi đây", ông Phúc chia sẻ.