Lào Cai nâng cao chất lượng xóa mù chữ cho bà con dân tộc thiểu số

Hiệp Nguyễn

(Dân trí) - Việc duy trì và nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ sẽ giúp bà con ở vùng cao nâng cao nhận thức, từ đó tự lực để vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Trong những năm qua, tỉnh Lào Cai tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm duy trì và nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ.

Đây cũng là nội dung Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Theo đó, năm 2022, toàn tỉnh Lào Cai có 151/152 xã, phường, thị trấn và 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; có 81 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 và 71 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3; 9/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2.

Lào Cai nâng cao chất lượng xóa mù chữ cho bà con dân tộc thiểu số - 1

Trẻ em ở bản Nà Phung xã Tân Tiến, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai trong một hoạt động hỗ trợ của Đoàn thanh niên (Ảnh: Sơn Nguyễn).

Đối với công tác xóa mù chữ, toàn tỉnh có 2 xã đạt chuẩn mức độ 1; 150 xã, phường, thị trấn đạt mức độ 2. Năm 2021 mở 45 lớp xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ cho 916 học viên; trong đó đã nghiệm thu 25 lớp với 529 học viên.

Năm 2023, Lào Cai sẽ tập trung nâng cao chất lượng xóa mù chữ, phấn đấu có ít nhất hơn 1.100 người được xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ, nâng tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15-60 lên 95%.

Cùng với đó, phấn đấu 30% người biết chữ trong độ tuổi từ 15-35 được đào tạo nghề. Đây là những nội dung được tỉnh Lào Cai đặt ra nhằm thực hiện Đề án 06 của Tỉnh ủy Lào Cai về lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo trong năm 2023.

Việc duy trì và nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ sẽ giúp bà con ở vùng cao nâng cao nhận thức, hiểu biết về xã hội, từ đó tự lực để vươn lên xóa đói, giảm nghèo.

Lào Cai đặt ra mục tiêu cho công tác phổ cập giáo dục trong giai đoạn mới với chỉ tiêu như: Dạy tin học, ngoại ngữ đạt mức trung bình cả nước; hoàn thành phổ cập giáo dục trẻ mầm non 4 tuổi; phấn đấu đến năm 2025 có 80% thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương. Những kết quả đã đạt được sẽ là nền tảng quan trọng để Lào Cai hoàn thành những mục tiêu đã đề ra.

Để đạt được những mục tiêu đề ra, các cấp, ngành, trong đó chủ chốt là ngành giáo dục ở Lào Cai thời gian qua đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đồng bộ. Điển hình công tác tuyên truyền về xóa mù chữ được ngành giáo dục và các địa phương tập trung triển khai thông qua các kênh thông tin đại chúng, pano, áp phích trực quan, sinh động, dễ hiểu.

Các phòng Giáo dục các địa phương cũng đã phối hợp tốt với Đoàn thanh niên, các đơn vị lực lượng vũ trang cùng tham gia dạy xóa mù chữ và giáo dục sau khi biết chữ. Ngành giáo dục và các địa phương cũng tích cực huy động nguồn lực xã hội hóa trong thực hiện công tác xóa mù chữ. Các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm văn hóa thể thao ở các địa phương luôn được tận dụng, huy động tối đa hiệu năng hoạt động…