Loay hoay đối phó đàn lợn rừng không xong, Mỹ chuyển hướng xả thịt

Huy Hoàng

(Dân trí) - Sau khi tìm mọi biện pháp đối phó với nạn lợn rừng xâm hại, cuối cùng chính quyền Mỹ đang chuyển hướng sang việc biến chúng thành nguồn cung cấp thực phẩm cho các đầu bếp, nhà cung ứng.

Nạn lợn rừng xâm chiếm hoành hành nhiều bang nước Mỹ

Năm 1493, Christopher Columbus mang 8 con lợn tới Tây bán cầu làm thức ăn. Đến nay, hậu duệ của những con lợn này đã lên tới 6 triệu con ở 35 bang trên khắp nước Mỹ, gây ra nhiều rắc rối.

Loay hoay đối phó đàn lợn rừng không xong, Mỹ chuyển hướng xả thịt - 1

Lợn rừng trở thành loài xâm lấn ở nhiều bang tại Mỹ (Ảnh: News).

Chỉ tính riêng ở Texas, số lượng lợn rừng đã lên tới 2 triệu con, biến bang này thành tâm điểm của "vấn nạn lợn rừng".

Chúng được nhận định là loài lợn rừng xâm hại, gây thiệt hại 2,5 tỷ USD với ngành lâm nghiệp, hoa màu, nhà chăn nuôi. Bên cạnh đó, chúng còn lây lan dịch bệnh cho con người và vật nuôi. Chỉ tính riêng ở Texas, số lượng lợn rừng đã lên tới 2 triệu con, biến bang này thành tâm điểm của "vấn nạn lợn rừng".

Chuyên gia Casey Frank đến từ hoạt động tổ chức phi lợi nhuận Farmshare từng chứng kiến sức tàn phá của bầy lợn hoang.

Tháng 6/2022, đợt hạn hán nặng nề xảy ra ở miền Trung bang Texas, ông Casey để ý tới những hoa màu trong trang trại hữu cơ rộng 4ha của Farmshare bị đào xới. Đó là do bầy lợn rừng trong khu vực lùng sục khắp nơi tìm kiếm đồ ăn.

Bầy lợn gồm 6 con trưởng thành, mỗi con nặng hơn 92kg. Chúng đã gây thiệt hại lớn cho Farmshare.

Nhiều cơ quan chính phủ đã tìm cách đối phó. Chẳng hạn như Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và các cơ quan bảo vệ động vật hoang dã của bang, đã ngăn chặn việc gia tăng số lượng của lợn rừng suốt nhiều thập kỷ, nhưng chưa thành công.

Loay hoay đối phó đàn lợn rừng không xong, Mỹ chuyển hướng xả thịt - 2

Suốt nhiều năm nay, chính quyền Mỹ đau đầu với việc đối phó nạn xâm lấn (Ảnh: News).

Năm 1890, một nhóm thợ săn từng đưa 13 con lợn rừng Á Âu tới khu bảo tồn đi săn ở New Hampshire. Chúng nổi tiếng thông minh, lanh lợi và khó bắt.

Các thợ săn trong vùng cũng đặt bẫy nhưng không hiệu quả. Chuyên gia Casey cũng thử làm suốt thời gian dài và thất bại.

"Lợn rừng thông minh tới mức chúng biết đó là bẫy nên không chui vào. Cuối cùng, cái bẫy lại thành miếng ngon cho chim ăn", vị chuyên gia này cho biết.

Theo Mikayla Killam, chuyên gia nghiên cứu động vật hoang dã của Đại học Texas A&M, lợn rừng lai tạo khiến chúng càng lanh lợi hơn và số lượng ngày một áp đảo, dẫn tới việc kiểm soát khó hơn.

Đưa lợn rừng thành nguồn thực phẩm

Để đối phó với tình trạng này, chính quyền nhiều bang ở Mỹ có số lượng lợn rừng lớn đã cho phép thợ săn được săn bắt. Một số thợ đặt bẫy để đưa chúng ra thị trường.

Tại nhà hàng Dai Due ở Austin, Texas, lợn rừng được chế biến thành các món ăn hấp dẫn thực khách, xuất hiện trên thực đơn.

Loay hoay đối phó đàn lợn rừng không xong, Mỹ chuyển hướng xả thịt - 3

Tại một số nơi, lợn rừng được phép săn bắt (Ảnh: News).

Trong khi đó, nông trại Broken Arrow ở Texas đã hợp tác với các thợ săn đặt bẫy lợn rừng, đưa chúng tới lò mổ và xử lý để đóng gói thịt, cung cấp ra thị trường. Hiện nông trại này đang trở thành nhà cung ứng thịt, bán 1.500 đến 1.700 con lợn rừng mỗi năm.

Tuy nhiên, việc đưa thịt lợn rừng tới tay người tiêu dùng không dễ dàng. Đại diện của Broken Arrow cho biết, không giống như thịt nai hoang dã mà nông trại này vẫn cung cấp, lợn rừng hiện đang thuộc diện nhóm thịt cần kiểm tra của liên bang. Các nhà cung cấp muốn bán ra cần rất nhiều thời gian và công sức để tìm cơ sở giết mổ được USDA chấp thuận.

"Ban đầu, chúng tôi gặp nhiều sự phản đối từ USDA. Rõ ràng chúng tôi đang góp phần giúp bang giảm số lượng lợn rừng xâm hại. Rất may cuối cùng, giới chức nhận thấy đây là giải pháp tuyệt vời", ông Fay, đại diện của nông trại Broken Arrow nói.

Để lượng thịt đạt tiêu chuẩn, trang trại Shogun ở ngoại ô Tampa, Florida, còn khử mùi hôi bằng cách nuôi đàn lợn rừng trong vòng 6 tháng. Chúng được cách ly, tẩy giun sát và theo dõi sát sao. Kết quả tốn nhiều công sức này tạo ra nguồn thịt chất lượng mà nhiều khách hàng còn ví "ăn không khác gì lợn Wagyu".