Mô hình thôn thông minh giúp thay đổi diện mạo xã nông thôn mới ở Quảng Ninh

Hiệp Nguyễn

(Dân trí) - Mô hình thôn thông minh được triển khai tại xã Quảng Tân đã đưa công nghệ tới gần hơn với dân, người dân hưởng ứng rất cao dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Năm 2017, xã Quảng Tân (huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới và đạt xã nông thôn mới nâng cao năm 2022. 

Việc triển khai thí điểm mô hình thôn thông minh tại thôn Tân Thanh và Tân Hợp (xã Quảng Tân), công nghệ số bước đầu được đưa vào cuộc sống, trở nên gần gũi và thiết thực với đời sống người dân, góp phần thay đổi diện mạo địa phương.

Mô hình thôn thông minh cũng được xác định là một chỉ tiêu để một xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. 

Mô hình thôn thông minh giúp thay đổi diện mạo xã nông thôn mới ở Quảng Ninh - 1

Người dân được hướng dẫn cài đặt app thanh toán không dùng tiền mặt

Bà Phạm Thị Loan, Bí thư Chi bộ thôn Tân Thanh cho biết, thôn có 206 hộ gia đình với 783 nhân khẩu, trong đó có 20 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số gồm dân tộc Sán Chỉ và Dao Thanh Phán. Tháng 3/2022, mô hình thôn thông minh ra đời tại thôn.

"Chúng tôi thành lập Tổ công nghệ số có 6 thành viên, chia ra thành 3 tổ, mỗi tổ 2 người đến từng hộ gia đình hướng dẫn người dân kích hoạt zalo của thôn và cài đặt một số ứng dụng công nghệ như chuyển tiền, bảo hiểm...

Nếu như trước đây, thôn có việc gì, chúng tôi phải tới tận nhà dân tìm gặp. Giờ có thông báo, chúng tôi sẽ trao đổi thông qua nhóm zalo để người dân trao đổi cũng như nắm bắt được thông tin nhanh hơn", bà Loan nói.

Mô hình thôn thông minh giúp thay đổi diện mạo xã nông thôn mới ở Quảng Ninh - 2

Việc triển khai mô hình thôn thông minh đưa công nghệ tới gần hơn với người dân.

Đến thôn Tân Thanh hôm nay, các phương thức canh tác đều áp dụng kỹ thuật cao, ứng dụng nhật ký điện tử và các thiết bị thông minh.

Đại diện UBND xã Quảng Tân cho biết, địa phương đã triển khai trang bị hệ thống wifi công cộng 10/10 nhà văn hóa thôn, lắp đặt 16 mắt camera an ninh tại các điểm ngã ba, ngã tư các trục đường giao thông trên địa bàn toàn xã. Nhà văn hóa của hai thôn điểm xây dựng thôn thông minh là thôn Tân Thanh và Tân Hợp được trang bị hệ thống camera giám sát.

"Người dân đang hưởng ứng rất cao dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, giúp tiết kiệm thời gian và thanh khoản trong kinh tế.

Bên cạnh đó, người dân trên địa bàn xã cũng được hướng dẫn cài dặt tài khoản công dân số để thực hiện giao dịch hành chính với chính quyền mà không cần phải trực tiếp đến cơ quan Nhà nước, giúp tiết kiệm thời gian. Tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh và Internet trong nhân dân đạt trên 90%", đại diện UBND xã Quảng Tân chia sẻ.

Nhằm phát huy hiệu quả Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, chính quyền địa phương phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách từng khu dân cư, hướng dẫn người dân cài đặt các tài khoản số: Công dân số, app thanh toán không dùng tiền mặt, hướng dẫn người dân đăng ký đưa các sản phẩm nông nghiệp lên sàn giao dịch điện tử giúp các sản phẩm nông nghiệp Ocop của địa phương đến với khách hàng ở mọi miền.

Các thôn trên địa bàn xã Quảng Tân cũng được trang bị hệ thống truyền thanh thông minh giúp truyền tải thông tin chỉ đạo của các cấp đến người dân nhanh hơn và tiện lợi hơn. Các thôn lập trang zalo của thôn để làm kênh trao đổi thông tin hai chiều giữa người dân và ban điều hành thôn được nhanh hơn.

Ông Nguyễn Thanh Tuy - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Tân cho biết, thời gian tới, để nhân rộng mô hình này, xã tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện tại các thôn trên địa bàn xã, đặc biệt là quan tâm tới các thôn đồng bào dân tộc thiểu số để truyền đạt được thông tin và người dân nhận thức được nội dung của xã thông minh và thực hiện đề án chuyển đổi số.

Tại xã Quảng Tân, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 30% dân số toàn xã, tập trung nhiều ở các thôn Tân Sơn, An Bình, Châu Hà.