Ban tổ chức lễ hội ẩm thực Việt: "Không ai bị đau bụng là mừng rồi"

Hoàng Lê

(Dân trí) - Trưởng ban tổ chức lễ hội "Rạng danh văn hóa ẩm thực Việt" thừa nhận các gian hàng còn nhếch nhác, món ăn bị đẩy giá. "Không ai bị đau bụng là mừng lắm rồi", bà Khánh nói.

Ngày 27/10, Hiệp hội Du lịch TPHCM tổ chức buổi tổng kết sau lễ hội Rạng danh văn hóa ẩm thực Việt, diễn ra từ 20 đến 22/10 tại Dinh Độc Lập (quận 1, TPHCM).

Nhiều bất cập, khuyết điểm trong lễ hội

Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM, Trưởng ban tổ chức hoạt động trên cho biết, mục đích của lễ hội là vinh danh các đầu bếp - những người có cống hiến thầm lặng với nền ẩm thực Việt Nam.

Song song đó, lễ hội đã xác lập kỷ lục bản đồ ẩm thực 126 món ăn từ 63 tỉnh thành, do đầu bếp từ hàng chục địa phương về thực hiện.

Ban tổ chức lễ hội ẩm thực Việt: Không ai bị đau bụng là mừng rồi - 1

Bà Nguyễn Thị Khánh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM thừa nhận các bất cập ở lễ hội ẩm thực và cho biết sẽ rút kinh nghiệm (Ảnh: Hoàng Lê).

Ngoài ra, trong lễ hội còn có "bức tường gia vị" được đầu tư rất kỹ từ các nghệ nhân. Những gia vị này cộng hưởng với món ăn tạo nên chiều sâu văn hóa ẩm thực Việt Nam. "Bức tường danh vọng" với 8 màn hình tôn vinh các nghệ nhân, đầu bếp cũng được dựng lên tại đây.

Theo bà Khánh, lễ hội bao gồm 90 gian hàng ẩm thực, có cả ẩm thực vùng miền, ẩm thực đường phố, hàng rong, thu hút khoảng 50.000 du khách đến tham dự trong thời gian diễn ra.

Sau chương trình, dư luận đã có những đóng góp và ý kiến trái chiều. Đầu tiên, nhiều khách du lịch cũng góp ý về việc đưa lên mạng những món ăn trên bản đồ ẩm thực, để khách tìm đến trải nghiệm.

Kế đến, một số món ăn phải theo mùa mới có, như "gỏi hoa ban" của tỉnh Điện Biên, nên dù ban đầu muốn đưa vào bản đồ ẩm thực nhưng sau đó phải thay bằng "gỏi rau dớn".

Ban tổ chức lễ hội ẩm thực Việt: Không ai bị đau bụng là mừng rồi - 2

Bản đồ ẩm thực với 126 món được xác lập kỷ lục Việt Nam (Ảnh: BTC).

Lễ hội cũng gặp khó khăn về thời tiết, khi nhiều ngày mưa tầm tã. Ngoài ra, ban đầu ban tổ chức định đặt thảm cỏ ở sàn lễ hội, nhưng nền đất mềm nên phải trải các tấm gỗ.

"Quá trình tổ chức, chúng tôi muốn an toàn là trên hết, nên chọn làm ở Dinh Độc Lập.

Dù vậy, ở ngày đầu tổ chức cũng có trở ngại, khi bảo vệ chưa phối hợp tốt nên khách có phản ánh không được vào, phải mua vé (dù lễ hội mở cửa miễn phí)", bà Khánh cho biết và tiết lộ, bản thân Trưởng ban tổ chức cũng… không được cho vào.

"Không ai bị đau bụng là tôi mừng lắm rồi"

Vì trời mưa tầm tã, bà Khánh nhìn nhận, khung cảnh lễ hội có tình trạng nhếch nhác, nhất là chiều của ngày thứ 3.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về việc rút kinh nghiệm thế nào, Trưởng ban tổ chức lễ hội cho biết sẽ tiếp thu các ý kiến, để lần tiếp theo tổ chức ở không gian trong nhà, tránh lệ thuộc vào thời tiết.

"Trời thương, những ngày 20, 21, 22 trời nắng ấm. Sáng 22 cũng nắng, đến chiều có mưa là chúng tôi bắt đầu "rầu", nhưng may mắn 16h30 tạnh. Nếu mưa liên tục thì công sức đổ sông đổ bể, vì bản đồ ẩm thực đầu tư tâm huyết rất nhiều của các đầu bếp", Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TPHCM chia sẻ.

Trước ý kiến của người tham dự về việc lễ hội chỉ toàn bán xiên cá, xiên bò, không nhiều món ăn truyền thống, giá lại mắc hơn bên ngoài, bà Nguyễn Thị Khánh cho biết, ẩm thực đường phố là một trong những xu thế của thế giới, nên Việt Nam cũng phải tìm cách hòa nhập.

Ban tổ chức lễ hội ẩm thực Việt: Không ai bị đau bụng là mừng rồi - 3

Một gian hàng ẩm thực đường phố tại lễ hội (Ảnh: BTC).

Trong lễ hội, một số gian hàng có vấn đề trong cách trưng bày món ăn. Có những gian hàng đăng ký bán bánh khọt, bánh xèo nhưng lại trưng bày các thức ăn đường phố quá nhiều bên ngoài, món đăng ký để phía trong, khiến du khách lầm tưởng chỉ có xiên que.

Bà Khánh cũng thừa nhận, có việc giá đồ ăn bị đẩy lên cao, một số người bán có cách thể hiện phản cảm.

"Chúng tôi luôn nhắc các đơn vị đăng ký là không tăng giá và đảm bảo chất lượng. Có nơi đăng ký giá ly nước mía là 15.000 đồng nhưng khi vào lễ hội lại thay đổi, bán 20.000 đồng. Du khách góp ý thì chúng tôi ghi nhận", đại diện ban tổ chức chia sẻ.

Dù có những bất cập lẫn khó khăn khách quan nêu trên, bà Khánh cho biết, lễ hội đã cố gắng kiểm soát chặt vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, thậm chí đã mời đại diện cơ quan quản lý an toàn thực phẩm vào ban tổ chức.

Bà Khánh tâm sự sau khi kết thúc lễ hội: "Không ai bị đau bụng, cướp giật là tôi mừng lắm rồi".

Theo ban tổ chức, lễ hội Rạng danh văn hóa ẩm thực Việt vẫn có những điểm sáng.

Riêng món phở miền Bắc, ngày đầu diễn ra lễ hội bán được 600 tô. Chuỗi chả cá Hà Nội cũng đông khách. Ngoài ra còn có bún nước lèo Sóc Trăng, bánh bò thốt nốt An Giang… được các nghệ nhân trực tiếp về thực hiện.

Sau lễ hội, ban tổ chức sẽ tạo một bộ sưu tập 189 món ăn đặc sản khắp đất nước, dự kiến công bố trong thời gian sớm nhất.