Kêu gọi đầu tư 3.500 tỷ đồng phát triển du lịch tại “vương quốc” gạch gốm

Lan Anh

(Dân trí) - Vĩnh Long đang có chủ trương mời gọi đầu tư xã hội hoá gần 3.500 tỷ đồng để phát triển du lịch tại “vương quốc” gạch gốm có tuổi đời hơn 100 năm tại huyện Mang Thít.

Kêu gọi đầu tư 3.500 tỷ đồng phát triển du lịch tại “vương quốc” gạch gốm - 1
Nhiều lò nung đã ngưng hoạt động thời gian dài khiến cây, cỏ mọc um tùm nên Vĩnh Long muốn khôi phục lại

Ngày 6/11, ông Võ Quốc Thanh, Phó giám đốc phụ trách Sở Kế hoạch và Đầu tư Vĩnh Long cho biết, hiện sở đang cùng Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) tỉnh và UBND huyện Mang Thít tiến hành mời gọi đầu tư bằng hình thức xã hội hoá để phát triển du lịch vào “vương quốc” gạch gốm tại huyện Mang Thít.

Dự án có tên là “Di sản đương đại Mang Thít”. “Vương quốc” gạch gốm này có đến gần 1.500 lò gạch, bao phủ trên diện tích gần 3.000ha nằm trên địa bàn các xã Mỹ An, Mỹ Phước, Nhơn Phú và Hòa Tịnh (huyện Mang Thít).

Theo Sở VH-TT&DL Vĩnh Long, “vương quốc” gạch gốm là một “kho báu” chưa được đánh giá đầy đủ nằm dọc các bờ kinh chính như Thầy Cai, Hòa Mỹ tạo thành một vòng cung bờ phía Nam khép lại tới kinh Nhơn Phú, Hòa Tịnh.

Kêu gọi đầu tư 3.500 tỷ đồng phát triển du lịch tại “vương quốc” gạch gốm - 2
Kêu gọi đầu tư 3.500 tỷ đồng phát triển du lịch tại “vương quốc” gạch gốm - 3
“Di sản đương đại” vương quốc gạch gốm Mang Thít nhìn từ trên cao

“Đây là một “kho báu” lộ thiên giàu giá trị cần được bảo tồn bởi lịch sử của nó được kiến tạo qua hơn 100 năm từ sự giao thoa văn hóa - kỹ nghệ đặc sắc giữa người Khmer, người Kinh và người Hoa để hun đúc tạo ra khối di sản kiến trúc cùng nghề truyền thống hết sức độc đáo”, đại diện sở VH-TT&DL Vĩnh Long cho biết.

Theo đánh giá ban đầu, khối tài sản gồm các lò gạch gốm hình “quả trứng” này hiện có giá trị khoảng 500 tỷ đồng và khi đưa vào khai thác du lịch có thể ước tính mang lại khoảng 1.500 tỷ đồng mỗi năm. Dự kiến quy hoạch sẽ dựa trên mô hình “tái định cư tại chỗ”, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, cũng như sinh kế bền vững cho từng người dân bản địa.