Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Múa Keng Loóng của người Thái vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể

Hiệp Nguyễn

(Dân trí) - Keng Loóng - sinh hoạt văn hóa dân gian nổi bật của cộng đồng người Thái ở Mai Châu (Hòa Bình) vừa được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 3436/QĐ-BVHTTDL, ngày 10/11/2023 về công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong đó, Keng Loóng - sinh hoạt văn hóa dân gian nổi bật của cộng đồng người Thái ở Mai Châu (Hòa Bình) được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo bà con dân tộc ở đây, Loóng theo tiếng Thái dịch ra tiếng phổ thông là máng, cối dài. Loóng được làm từ loại gỗ tốt, có tiếng vang, thanh. Người ta chọn cây to, thẳng, được chặt thành khúc, tùy theo người muốn làm Loóng to, nhỏ, dài, ngắn khác nhau.

Múa Keng Loóng của người Thái vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể - 1

Keng loóng - sinh hoạt văn hóa dân gian nổi bật của cộng đồng người Thái ở Mai Châu (Hòa Bình).

Keng Loóng xuất phát từ cuộc sống lao động của người Thái Mai Châu. Với người phụ nữ dân tộc Thái, giã gạo là việc làm thường xuyên, quen thuộc hằng ngày. Trong khi giã gạo, chị em thường khua thêm vài nhịp chày vào thành luống hay gõ các chày với nhau, tạo nên những âm thanh vui tai, xua tan mọi phiền muộn, lo âu trong những ngày tháng lao động vất vả trên nương, rẫy.

Trải qua thời gian, dần dần thành bài, thành nhịp điệu rồi hình thành loại hình nghệ thuật được biểu diễn trong các dịp lễ. Keng Loóng có nhiều điệu như mừng cưới, mừng cơm mới, chọi gà, nhật thực... kết hợp với cồng, chiêng, trống, sạp tạo thành một âm hưởng rất riêng để tăng thêm không khí vui tươi, náo nức. Nhiều chàng trai, cô gái nhờ Keng Loóng mà đã thành vợ, thành chồng.

Người Thái rất chú trọng Keng Loóng. Để làm ra Keng Loóng, người dân phải vào rừng chọn cây gỗ to, chắc, không bị mối mọt. Trong đó, hai thành Loóng phải một bên thanh trầm, một bên thanh cao. Chày gõ cần chọn cây gỗ chắc, khô tiếng mới vang. Ngày xưa chiếc Loóng còn thể hiện sự phân cấp giàu - nghèo trong xã hội. Ở gia đình có chức sắc hay tộc trưởng, trưởng họ, Loóng sẽ to và dài từ 5-6m. Trong gia đình bình thường Loóng ngắn và nhỏ hơn.

Hiện nay, nhiều gia đình người Thái ở Mai Châu Hòa Bình dù không cần dùng Keng Loóng để giã gạo nhưng vẫn giữ gìn đồ vật này như vật báu.

Khi nhà có chuyện buồn, gia đình cũng Keeng Loóng với giai điệu chậm rãi, trầm buồn. Trong lễ mừng nhà mới, mừng cơm mới, ngày hội đại đoàn kết toàn dân cũng Keng Loóng cũng được tái hiện, giúp mọi người thấy tinh thần phấn chấn, hứng khởi. Nhịp điệu của Keng Loóng trong những lễ hội lúc vui luôn nhộn nhịp, tưng bừng, vang vọng bản làng, thúc giục lòng người dù đang làm gì, ở đâu cũng tìm đến chung vui.

Hiện nay, tại các bản làng người Thái làm du lịch cộng đồng, đồng bào thường sử dụng Keng Loóng để tạo ra những âm thanh vui nhộn thay cho lời chào du khách. Điều này không chỉ giúp gìn giữ nét văn hóa độc đáo của người Thái mà còn tạo ra dấu ấn, sản phẩm du lịch độc đáo khiến du khách thích thú.

Trước đó, năm 2022, tỉnh Hòa Bình đã lập hồ sơ 3 di sản văn hóa phi vật thể đề nghị công nhận đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Kỹ thuật dệt hoa văn cạp váy dân tộc Mường Hòa Bình; Hát thường rang; Nghệ thuật trình diễn Keng Loóng dân tộc Thái huyện Mai Châu.   

Việc đưa loại hình trình diễn dân gian độc đáo này vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ khẳng định bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo của tỉnh, mà còn giúp huyện Mai Châu - chủ thể của di sản có thêm động lực gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị và tăng cường quảng bá, giới thiệu, góp phần phát triển du lịch.