Trung Quốc: Hai nữ du khách giật tóc, tranh giành chỗ chụp ảnh

Viên Minh

(Dân trí) - Đoạn video ghi lại khoảnh khắc hai nữ du khách ẩu đả, giật tóc vì tranh chỗ chụp ảnh tại cung điện Tây Tạng.

Đoạn video do SCMP đăng tải ngày 10/10 cho thấy các du khách tranh giành chỗ chụp ảnh tại Cung điện Potala (thành phố Lhasa, thủ phủ Khu tự trị Tây Tạng).

Theo nội dung video, hai nữ du khách được cho là ẩu đả khi đứng chụp ảnh phía trước công trình này. Hai người sau đó lao vào xô xát, giật tóc nhau không buông. Hai du khách khác ở gần đó nỗ lực can ngăn nhưng bất thành.

Trong khi những người phụ nữ đang tranh cãi thì một du khách khác đã chớp lấy cơ hội để chụp ảnh. 

Video: Hai nữ du khách giật tóc tranh giành chỗ chụp ảnh ở Trung Quốc (Nguồn: SCMP).

Cung điện Potala là biểu tượng xuất hiện trên tờ tiền 50 nhân dân tệ, nên phần lớn du khách tới đây đều muốn chụp ảnh với tờ tiền này. Vào những ngày cao điểm, rất đông du khách phải chờ đợi và xếp hàng.

Đoạn video lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội Trung Quốc đã thu hút hàng triệu lượt xem. Một nhân chứng bức xúc vì không được tôn trọng. "Họ liên tục ẩu đả, tôi khó thở khi đứng cạnh họ", người này nói. 

Một số du khách khác cũng lên tiếng: "Tôi từng bị thiếu oxy khi ở Tây Tạng, thở thôi cũng đủ mệt. Sao họ vẫn có đủ sức để đánh nhau nhỉ?"; "Một số khách du lịch có cách cư xử thực sự tồi tệ. Họ không bao giờ nghĩ đến những người khác đang chờ chụp ảnh".

Trung Quốc: Hai nữ du khách giật tóc, tranh giành chỗ chụp ảnh - 1

Toàn cảnh Cung điện Potala (Ảnh: Wonderlist).

Cung điện Potala được xây dựng năm 637, nằm ở độ cao 3.700m so với mực nước biển, trên đồi Ri Marpo, ở trung tâm thung lũng Lhasa. Cung điện có những bức tường dốc lớn với những hàng mái bằng, cao thấp ở các đoạn khác nhau và chỉ bị gián đoạn bởi những hàng cửa sổ dài, không giống như cấu trúc của một pháo đài.

Cung điện gồm 13 tầng, chia thành hơn 1.000 phòng nhỏ, trên nóc có 8 tòa tháp được bọc vàng tượng trưng cho mỗi đời Đại Lai Lạt Ma - lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng. 

Công trình này đã bị phá hủy hầu hết vào thời Trung cổ và đến thế kỷ 17 mới được trùng tu và phải mất thêm hơn 50 năm công trình mới hình thành quy mô như ngày nay. 

Hiện Potala là một bảo tàng lịch sử, một Di sản thế giới được UNESCO công nhận từ năm 1994.