Thật quá lại hóa... giả!

Khán giả chưa thể quên thời kỳ phim lồng tiếng với nhiều sản phẩm đã gây phản ứng phụ, hoàn toàn ngược lại ý định của người làm phim, chỉ vì họ đã quá đơn giản hóa khâu lồng tiếng.

Những giọng của kịch sĩ chuyên nghiệp bị tận dụng quá đáng. Bất kể nhân vật sang hay hèn, dân nông thôn hay thành thị, tính cách đơn giản hay phức tạp..., vẫn chỉ một giọng ấy, giọng nói quá chuẩn, quá tròn vành rõ chữ, và vì thế quá kịch, quá nhàm chán cho người xem.

 

Mở kênh ti vi nào cũng phải nghe cùng giọng ấy, cho dù nhân vật có mang gương mặt nào, số phận trái ngược nhau đến đâu, và diễn viên diễn xuất khác nhau ra sao... Đến nỗi nhiều khán giả thôi không xem phim ti vi, vì không muốn phải nghe quá nhiều nhân vật nói cùng một giọng, lặp đi lặp lại tới mức phá hỏng mọi thứ, không cho người xem cảm nhận một cách bình thường những gì diễn ra trong phim...

 

Chưa kể những phim lồng tiếng một cách hết sức thiếu trách nhiệm. Câu chuyện xảy ra trên đất Quảng Nam, nhưng khi lồng tiếng, người ta cứ thản nhiên lồng giọng Bắc, để người Quảng Nam tha hồ uốn tiếng thành giọng Bắc, bất kể hiệu ứng thuận hay nghịch. Đúng là người làm phim đã "chọc quê" khán giả: cứ ráng nuốt đi, tôi chỉ bấy nhiêu thôi!

 

Hãy thử tưởng tượng, nếu trong phim Ngã ba Đồng Lộc, các cô thanh niên xung phong thay vì nói giọng Khu Bốn, lại nói toàn giọng Bắc, thì, có trời mới biết hiệu ứng ngược của nó sẽ thế nào...

 

Lại đến thời kỳ thu tiếng trực tiếp. Thoát khỏi loại tiếng giả, tiếng nghịch, chưa kịp mừng, khán giả lại phải chịu đựng giọng trả bài của những diễn viên hoặc không thuộc lời thoại, hoặc do lời thoại chẳng ăn nhập gì với lời nói hằng ngày... Dù sao, đã có những tiến bộ thấy được trong những phim thực hiện sau này. Gần đây nhất, trong phim Anh chỉ có mình em, khán giả cảm thấy dễ chịu hơn với những nhân vật nói giọng thật và diễn xuất cũng tương đối thật. Nhưng, lại có điều đáng tiếc không đáng có,  khi một cái thật bỗng nhiên lại trở thành cái giả.

 

Đó là, khi những nhân vật Tây Nguyên nói giọng Nam Bộ. Anh chàng Tây Nguyên trẻ tuổi từng học hành ở thành phố, làm việc ở thành phố, đã hội nhập với đời sống đô thị có thể nói giọng Nam Bộ, vẫn ổn. Nhưng, ông già Tây Nguyên vẫn khăn khố hoa văn dân tộc, vẫn đang sống trên nhà sàn vùng cao, vẫn giữ đúng tập tục quan niệm của người thiểu số, mà lại nói giọng Nam Bộ rặt thì, đúng là hơi bị... không Tây Nguyên, khiến khán giả có cảm tưởng đang xem kịch chứ không phải xem phim... Khán giả không trách diễn viên, vì họ đã nói đúng giọng của họ, và họ đã diễn xuất không có lỗi.

 

Thế nhưng, về phía nhà làm phim, vì sao không chịu khó lồng tiếng cho nhân vật trong những đoạn này? Sao không cố tránh những lỗi lẽ ra có thể tránh?

 

Theo Thanh Niên