10 năm bán than dạo nuôi 3 con học đại học

Ròng rã 10 năm theo nghề bán than rong và làm thuê kiêm tiền nuôi con ăn học... ông Nguyễn Văn Thuẫn không chỉ là một tấm gương tiêu biểu cho gia đình hiếu học, mà còn là điển hình về nghị lực sống để động viên ba người con quyết tâm học thành tài.

Những năm 80, cả nhà ông Thuẫn (xóm 1, Quỳnh Nguyên, Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình), năm miệng ăn và chuyện học hành của các con chỉ trông chờ vào hai suất lương “còm” với 27 kg gạo sổ/tháng.

 

Khi ba đứa con đến tuổi ăn, học thì khó khăn tăng gấp bội. Vợ ông là giáo viên THCS, một buổi dạy ở trường, một buổi tranh thủ làm hàng xáo, chạy chợ để có thêm đồng ra đồng vào cho cuộc sống vốn đã thiếu thốn đủ đường. Các con ông sau giờ học phải cào tép để bán, chạy chợ giúp mẹ.

 

Năm 1990, ông Thuẫn về nghỉ chế độ “một cục” với 2 triệu đồng. Một phần số tiền đó để đóng học cho con, một phần ông mua chiếc xe đạp thồ để lên Hà Nội...

 

Với chiếc xe đạp thồ mua được từ số tiền ít ỏi, ròng rã 10 năm ông theo nghề bán than rong và làm thuê kiếm tiền nuôi con ăn học… Rong ruổi khắp các phố phường Hà Nội, những ngày đầu bàn chân bỏng rát nhưng cũng chỉ bán được 70 viên/ngày, lãi vỏn vẹn 10.000 đồng. Có những trưa nắng, cảm giác có thể đếm được từng giọt mồ hôi rơi xuống mặt đường hầm hập nóng song nghĩ đến con, đoạn đường ông đi hàng ngày lại được nối dài thêm.

 

Từ năm 1997 đến năm 2000, ba đứa con ông liên tiếp đỗ vào ĐH, người cha càng phải gồng mình kiếm tiền để chu cấp hàng tháng cho mỗi con 300 nghìn đồng. Số tiền ít ỏi được chắt chiu từ những giọt mồ hôi, sự vất vả của cha cũng không đủ chi tiêu, các con ông vẫn vừa phải học tốt, vừa phải làm gia sư để kiếm thêm tiền chi trả cho cuộc sống…

 

Năm 2000, 2001 hai lần ông Thuẫn phải phẫu thuật vì bị sỏi thận. Bệnh tật cộng với sự dãi dầu mưa nắng đã khiến sức khoẻ của ông giảm đi nhiều. Nhưng cứ nghĩ đến việc nếu mình không tiếp tục kiếm tiền, các con sẽ dở dang chuyện học, là ông lại muốn gượng dậy.

 

Hiện nay, cả ba người con của ông Thuẫn đều đã ra trường, có công ăn việc làm ổn định, người là kỹ sư nông nghiệp, người là kỹ sư điện tử viễn thông, người là giáo viên dạy THPT. Tuy các con đều đã có nghề nhưng số tiền vay nợ của gia đình ông vẫn còn gần 20 triệu đồng. Ông Thuẫn tâm sự, dù gia đình nghèo, trong nhà chẳng có gì đáng giá, nhưng toàn bộ số tiền vay được chỉ để phục vụ cho con ăn học. Gạo trong bồ có thể hết nhưng vẫn không để các con phải thiếu sách, vở phục vụ cho việc học tập.

 

Với suy nghĩ: tài sản vô giá mà cha mẹ có thể cho các con chính là kiến thức, ông Thuẫn đã quyết lăn lộn với đời để nuôi dạy các con thành tài. Và có lẽ việc ông ròng rã 10 năm trời lặn lội ở Hà Nội với xe than trên mọi ngả đường chính là động lực khiến các con ông có thêm sức mạnh để học, sao cho xứng đáng với sự hy sinh của người cha.

 

Theo Lâm Phúc Trường

 Giáo dục & Thời đại