10 năm nữa, TPHCM cũng không đủ chỗ giữ trẻ

Sắp tới, TPHCM sẽ điều chỉnh mức thu với trẻ nhóm nhỏ để động viên các trường công lập mở thêm nhóm nhỏ dưới 12 tháng và giữ chân giáo viên có kinh nghiệm.

Theo thống kê của vụ Kế hoạch tài chính - Bộ GD-ĐT, hiện chỉ có 13% số trẻ dưới hai tuổi nhập học ở các cơ sở chính quy, 87% trẻ còn lại hoặc ở nhà hoặc phải gửi ở các nhóm trẻ gia đình. Đối với lứa tuổi từ ba đến năm, chỉ có 58% trẻ được nhập học. Còn riêng ở TPHCM, năm học 2007 - 2008 có tới 40% số trẻ học ở các cơ sở ngoài công lập, toàn thành phố có 765 nhóm lớp tư thục và 217 trường tư hoạt động. Nhiều nơi cơ sở vật chất không tốt, lực lượng giáo viên, bảo mẫu ít kinh nghiệm. Việc dẹp bỏ cơ sở kém chất lượng tuy cần thiết nhưng thực tế không dễ vì cung không đủ cầu.

Tại hội nghị sơ kết hai năm thực hiện luật Giáo dục 2005 ngày 16/4, ông Nguyễn Văn Ngai - phó giám đốc sở GD-ĐT TPHCM cho biết: “Đầu tư ngân sách và huy động vốn xây trường lớp mầm non đang bị bỏ ngỏ do không có quy định về chính sách đầu tư cũng như phương thức huy động. Chế độ lương cho giáo viên hiện rất thấp, không đủ tái sản xuất sức lao động…”

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh, trưởng phòng Giáo dục mầm non- sở GD-ĐT TPHCM cho biết: “Điều lệ cũ từ năm 2000 đã có quy định trường mầm non phải nhận trẻ từ 3 - 6 tháng tuổi. Song do quá tải so với nhu cầu nên các trường phải ưu tiên nhận trẻ mẫu giáo để thực hiện quy định của Bộ về huy động trẻ mẫu giáo ra lớp và chuẩn bị cho trẻ tiếp cận chương trình lớp 1.

Hiện các trường đã nuôi dạy được gần 40% trẻ trong độ tuổi nhà trẻ và trên 85% trẻ tuổi mẫu giáo. So với mức toàn quốc đang phấn đấu thì đây là một tỷ lệ cao, nhưng nếu lo đủ chỗ và đủ giáo viên cho tất cả nhu cầu của xã hội thì 10 năm nữa thành phố cũng không đủ”.

Theo quy định của TPHCM, trường mầm non công lập có trên 12 lớp mới được nhận trẻ dưới 18 tháng. Với trẻ dưới sáu tháng tuổi, mỗi nhóm (tối đa 3 - 5 cháu) phải có một giáo viên. Trường còn phải có đủ điều kiện vật chất nuôi trẻ, có y bác sĩ được đào tạo chuyên môn... “Trong tình hình hiện nay, nếu nhận trẻ ở độ tuổi quá nhỏ thì phải tăng số cô. Như vậy thu nhập bình quân của các cô bắt buộc phải giảm. Với mức lương trung bình 1,7 - 2 triệu đồng/tháng các cô đã sống chật vật lắm rồi”, bà Lâm Kim Hoàng, hiệu trưởng trường Mầm non Bé Ngoan, quận 1, nhận xét.

TS. Hồ Thiệu Hùng đề xuất bỏ chủ trương chỉ phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập. “Nhà nước xây trường mầm non hay cơ sở giữ trẻ đúng chuẩn rồi giao cho những người tâm huyết và có nghiệp vụ chuyên môn điều hành, thu học phí vừa với thu nhập người lao động. Ngoài ra, phải có chính sách đào tạo giáo viên và bồi dưỡng bắt buộc người giữ trẻ theo kiểu miễn học phí”, ông Hùng nói.

Sẽ tăng học phí trường mầm non công lập

Theo quy định của TPHCM, học phí các trường tư có nhóm nhỏ là khoảng từ hai đến năm triệu đồng mới bảo đảm chất lượng giáo viên. Riêng trường công lập muốn chi phí đủ phải thu từ một triệu/tháng nhưng phải được HĐND thành phố cho phép (hiện học phí trường công chỉ vào khoảng 200 - 250 ngàn đồng). Các trường hiện cũng không đủ cán bộ y tế theo quy định vì không đủ chi phí hợp đồng với y, bác sĩ.

Theo Như Thuần
Sài Gòn Tiếp Thị