12 năm mò ốc nuôi con học

Hằng ngày, từ gian phòng trọ ngoài bãi An Dương (Hà Nội), chị Mẫn, 49 tuổi (quê xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, Thái Bình) lại tất tưởi soạn đồ nghề, rồi nai nịt quần áo… để xuống hồ. Suốt 12 năm, chị làm nghề mò ốc hến nuôi chồng ốm đau, con gái ăn học thành tài.

Chồng tàn tật, yếu ớt không thể giúp đỡ gì về công việc cũng như kinh tế nên một mình chị Mẫn phải nai lưng ra "đánh vật" với mấy sào ruộng khoán. Thế mà cơm cháo đôi lúc còn đứt bữa. Hạnh phúc duy nhất của vợ chồng chị là đứa con gái chịu khó học hành.

Không cam chịu đói nghèo, khi có người cùng làm thuê trên Hà Nội về chơi rủ lên đó làm ăn, chị Mẫn quyết định xa chồng con, giao lại ruộng cho người em họ làm rồi khăn gói lên đường.

Chị theo người bạn đi gánh thuê ở cầu Long Biên, chợ Đồng Xuân. Được vài bữa chị lại đi ra "chợ lao động" ở đầu phố Yên Phụ chờ người ta tới thuê mướn. May mà có sức khỏe nên đồng tiền chị kiếm được cũng đủ rau cháo qua ngày và dư chút ít gửi về quê cho chồng nuôi con ăn học.

Một bữa làm thuê cho một gia đình ở gần Phủ Tây Hồ, lúc nghỉ, chị thử lội xuống mò thì thấy có rất nhiều hến, ốc, trai. Hôm đó chỉ mò thử mà đem bán được những gần 30.000 đồng (thời giá năm 1996). Từ hôm sau chị rủ người bạn cùng làng lên Hà Nội đi mò ốc… Thế là suốt từ năm 1996 tới nay đã 12 năm trôi qua, chị vẫn "bám trụ" ở Hồ Tây bằng nghề mò ốc.

Chị bảo: "Nghề này vất vả lắm khi suốt ngày ngâm mình dưới nước. Rét cũng như nóng một ngày bình quân là phải 6 - 7 tiếng dưới nước. Nhiều hôm rét, ngoài việc quấn áo mưa kín thì trước khi xuống nước phải uống một ngụm nước mắm cho đỡ lạnh. Tuy vậy, nghề này cho thu nhập khá nên tôi ham lắm, không bỏ buổi nào, trừ khi tết nhất, con, chồng đau ốm, giỗ đám… mới về quê, còn ở miết trên này…".

Hằng ngày, từ gian phòng trọ ngoài bãi An Dương, chị lại tất tưởi soạn đồ nghề, giỏ, bao tải dứa rồi nai nịt quần áo… để xuống hồ. Hôm nay thì mò ở mạn Yên Phụ, ngày mai chỗ đó vãn hến, ốc chị lại chuyển sang mạn Quảng Bá, Nhật Tân, rồi Xuân La… Nghĩa là ven bờ Hồ Tây hầu như chỗ nào cũng có dấu chân chị hàng ngàn lần.

Khi mò được ốc, hến chị lại mang vào các chợ trong nội thành để bán cho được giá vì chị nghĩ mình bắt được phải bán cho người tiêu dùng thì thu nhập mới ít nhiều cải thiện.

Chị Hoàn, người bạn cùng nhóm mò ốc cho biết, mỗi tháng chị Mẫn gửi về cho chồng con khoảng 2 triệu đồng. Đứa con gái ngoan, hiền lại học giỏi lắm. Nó thay chị lo toan quán xuyến gia đình và chăm sóc bố chu toàn nên chị Mẫn cũng yên tâm làm ăn…

Hôm gặp chị Mẫn ở ven Hồ Tây, phía gần Công viên Nước, trong lúc ăn trưa tranh thủ hiếm hoi trên bờ, chị bảo: "Tôi lên đây và làm nghề này đã 12 năm trời. Con gái tôi cũng đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế quốc dân rồi và nó đang làm cho một công ty nước ngoài, lương tháng 500 đôla. Nhiều lần nó bắt tôi nghỉ nhưng thấy tiếc nên tôi không nghỉ. Bây giờ ốc, hến ở đây cũng không còn nhiều do có quá nhiều người đi bắt, vả lại sức cũng yếu hơn nên có lẽ sắp tới đây tôi cũng… nghỉ”.

Chị Mẫn cũng "thông báo" với tôi rằng ngần ấy năm đi mò ốc, ngoài việc nuôi cô con gái ăn học thành tài, chị còn xây được ngôi nhà mái bằng 3 gian khang trang.

Quả là nghị lực và sự chịu thương chịu khó của chị Mẫn rất phi thường. Nếu cam chịu cảnh túng quẫn nghèo nàn thì giờ đây chị đâu có nhà cao cửa rộng và đâu có đứa con gái tốt nghiệp đại học làm ra tiền nuôi bản thân và phụng dưỡng cha mẹ.

Theo Trần Anh Quốc
CAND