1/3 trẻ em miền núi không học kết lớp 5

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc, Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc, ở miền núi có tới 1/3 trẻ em không học hết lớp 5 và 70% số học sinh bỏ học là trẻ em gái.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO), 90% số trẻ em hoàn thành bậc giáo dục tiểu học trên toàn quốc. Tuy nhiên, con số này ở các vùng Tây Nguyên là 43%, ở các vùng núi phía Bắc là 48%. Như vậy, ở miền núi có tới 1/3 trẻ em không học hết lớp 5 và 70% số học sinh bỏ học là trẻ em gái.

Nghiên cứu còn cho thấy, nghèo đói vẫn là rào cản chính để trẻ em gái dân tộc thiểu số chưa được hưởng một nền giáo dục có chất lượng. Các em có thể bị đói ăn, suy dinh dưỡng trước và ngay cả trong khi đi học, không đủ tiền để mua đồ dùng học tập, áo quần và thức ăn, và thường bị áp lực phải bỏ học để chăm sóc cho người thân, hay giúp đỡ cha mẹ về kinh tế.

Bên cạnh rào cản nghèo đói, chất lượng dạy và học chưa đạt yêu cầu tại các địa phương cũng là rào cản đáng kể. Giáo viên thường chỉ dạy bằng tiếng Việt và chỉ dành một số ít thời gian dạy bằng tiếng mẹ đẻ, phương pháp giảng dạy nặng về thuyết trình. Các em gái do ít tiếp xúc xã hội nên việc tiếp thu bài bằng tiếng Việt không tốt, dẫn tới không hiểu bài rồi chán và bỏ học. Trường học xa nhà, đi học quá vất vả, các gia đình cũng chưa có nhận thức đầy đủ lợi ích của giáo dục.

Nhằm khắc phục những khó khăn này, nghiên cứu đưa ra các giải pháp rất cụ thể như: Trợ cấp hoặc cung cấp miễn phí sách vở, học phí, phương tiện đi lại cho các em, tổ chức những lớp dạy nghề để tạo cơ hội tăng thu nhập cho gia đình, thực hiện các dự án tín dụng nhỏ hỗ trợ gia đình, thực hiện giáo dục song ngữ và dạy học có chú trọng tới nhạy cảm về văn hóa, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng của địa phương...

Theo Việt Hà
VTV