130 kiến nghị cho giáo dục

(Dân trí) - Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện trong tháng 5 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Bộ GD-ĐT nhận được nhiều kiến nghị nhất với 271 kiến nghị, trong đó, có tới 130 kiến nghị về giáo dục.

Bỏ học - Nguyên nhân trực tiếp là “Hai không”

Trong các kiến nghị này, có nhiều kiến nghị đã mang đến sự bất ngờ cho ngành giáo dục. Chẳng hạn, người dân ở 9 tỉnh Lạng Sơn, Bình Dương, Bình Thuận, TP, Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Nghệ An, Hà Tây đều có chung một kiến nghị là:

“Hiện nay, tình trạng học sinh bỏ học rất đáng báo động, nguyên nhân cơ bản là do nghèo. Tuy nhiên, nguyên nhân trực tiếp là do thực hiện “Hai không” trong ngành giáo dục nên nhiều học sinh học kém, ngồi nhầm lớp, bị lưu ban nên chán nản, bỏ học.”

Người dân ở 6 tỉnh Đắk Lắc, Nghệ An, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Khánh Hoà, Hà Tây thì: “Đề nghị Bộ GD- ĐT tăng cường các giải pháp khắc phục, có phong trào “nói không với bỏ học”!

Đối với kỳ thi tốt nghiệp THCS và tiểu học đã được bỏ từ 3 năm nay, người dân Lạng Sơn lại có kiến nghị: Đề nghị không bỏ kỳ thi tốt nghiệp tiểu học và Trung học cơ sở. Thời gian qua bỏ hai kỳ thi này đã phần nào ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của học sinh ở các cấp học so với trước.

Người dân Hà Nội thì tỏ ra rất sốt ruột khi đưa ra những đề nghị như: Đề nghị xác định lại chiến lược phát triển giáo dục cho phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay nhằm chấn hưng nhanh chóng nền giáo dục Việt Nam và hội nhập quốc tế một cách có hiệu quả.”

Học phí - Quá nhiều vướng mắc?

Học phí là một trong những vấn đề thu hút được nhiều kiến nghị nhất. Người dân của 17 tỉnh Kon Tum, Điện Biên, Cà Mau, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Tây, Tây Ninh, Bạc Liêu, Hoà Bình, An Giang, Phú Yên, Bình Thuận, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tây, Quảng Ninh , Thái Bình đều có chung kiến nghị là:

“Đề nghị trong đề án học phí mới, Chính phủ, Bộ GD- ĐT cần có chính sách miễn học phí cho con em các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu vùng xa các cấp học từ mầm non đến phổ thông trung học, miễn học phí cho con em các hộ nghèo ở các cấp học phổ cập; giảm học phí cho con em các hộ cận nghèo, các gia đình chính sách…

Người dân của 10 tỉnh Bình Dương, Thái Bình, Hồ Chí Minh, An Giang, Kiên Giang, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Bình Phước, Lạng Sơn, Tiền Giang thì kiến nghị chưa thông qua chủ trương tăng học phí đối với học sinh, sinh viên. Mức học phí như hiện nay đã quá cao so với thu nhập của một bộ phận người dân lao động đặc biệt là vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, việc tăng học phí sẽ dẫn đến nguy cơ học sinh bỏ học sẽ rất cao, làm ảnh hưởng đến đời sống người dân và công tác vận động phổ cập giáo dục các cấp.

Về việc cho học sinh, sinh viên vay đi học, người dân TPHCM bầy tỏ sự đồng tình với chủ trương Nhà nước nhưng cho rằng thủ tục còn rườm rà nên kiến nghị Bộ GD- ĐT xây dựng quy trình cho vay - hoàn trả vốn một cách chặt chẽ, để vừa tạo điều kiện thuận tiện cho người vay, vừa đảm bảo thu hồi được.

“Kêu” cho giáo viên mầm non

Mức lương của giáo viên mầm non rất thấp là mối bận tâm lớn của người dân 15 tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Hà Nội, Hưng Yên, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Tây Ninh, Bình Định, Tiền Giang, Sóc Trăng, Nam Định, Hưng Yên, Hà Tây, Hải Phòng, Ninh Bình. Họ đều đề nghị Chính phủ quan tâm đến đời sống của đội ngũ giáo viên mầm non, cụ thể là nâng mức lương tối thiểu của giáo viên mầm non tương đương với mức lương của giáo viên cấp học khác có cùng trình độ đào tạo.

Đồng thời tăng lương cho đội ngũ giáo viên mầm non, vì hiện nay hầu hết các địa phương chỉ có một mức lương chung cho tất cả các giáo viên hợp đồng như nhau mà không tính đến giáo viên có trình độ, giáo viên làm lâu năm trong ngành. Đề nghị đặc biệt quan tâm đến chế độ của giáo viên mầm non hệ dân lập ở các huyện miền núi, vùng cao, nông thôn hiện nay còn gặp nhiều khó khăn.

Hiện nay, trường mầm non bán công chỉ được hai biên chế Nhà nước là Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng. Các giáo viên khác đều thuộc diện ngoài biên chế; mặt khác, mỗi địa phương lại có những quy định khác nhau về mức phụ cấp lương cho giáo viên mầm non ngoài biên chế, dẫn đến thiếu thống nhất và không bình đẳng. Đề nghị Nhà nước có chính sách phù hợp hơn đối với đội ngũ giáo viên mầm non.

Mai Minh