21 năm mang bệnh hiểm nghèo, cô giáo vẫn kiên trì đứng lớp

(Dân trí) - 21 năm mang bệnh Basedow, nhiều khi bị bướu hành hạ đến không ăn được cơm, cô Cil Jẹ (sinh năm 1968), giáo viên Trường Tiểu học Trần Quốc Toản (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) vẫn gắng gượng chống chọi với bệnh tật, hàng ngày đến lớp dạy dỗ học trò.

21 năm mang bệnh Basedow, cô giáo Cil Jẹ vẫn kiên trì đứng lớp dạy học trò
21 năm mang bệnh Basedow, cô giáo Cil Jẹ vẫn kiên trì đứng lớp dạy học trò.

Cô giáo Cil Jẹ sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Lạch tại xã Lát (nay là thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng). Gia đình đông anh chị em, cái đói cái nghèo và bệnh tật luôn bủa vây, đã mấy lần mẹ cô Jẹ khuyên con gái nghỉ học đi bán than, làm rẫy nuôi em. Nhưng vì đam mê học chữ, cô đã thuyết phục được bố mẹ được tiếp tục đến trường theo đuổi giấc mơ làm cô giáo.

“Mẹ tôi bảo, đi học không ai trông em, làm rẫy. Mà nếu đi học đừng học Sư phạm, gia đình mình ai cũng bệnh tật, con đi học y sĩ để về chích thuốc cho cả nhà. Nhưng tôi chỉ ham Sư phạm thôi”, cô chia sẻ.

Những ngày ấy, để được đi học, cô Jẹ thức khuya, dậy sớm hơn cùng bố gùi than đi bán rồi mới đến lớp học. Đi rẫy bẻ ngô, đi cấy lúa, trong đầu cô cũng suy nghĩ tới bài học, về là phải lấy sách vở ra xem ngay. Học lên nữa, cô phải đi bộ từ Lạc Dương lên TP Đà Lạt, cũng có nhiều bạn bè đi học với cô nhưng rồi đường sá xa xôi, họ nghỉ hết, riêng cô vẫn kiên trì bám lớp. Năm 1988, tốt nghiệp trung học Sư phạm, cô Jẹ xin về dạy tại trường Đạ Sar sau đó chuyển về trường Trần Quốc Toản công tác cho đến nay.

Đến năm 1994, sau khi sinh đứa con thứ hai, cô Jẹ phát hiện mình bị bướu ở cổ, nhưng cũng vì kinh tế khó khăn nên cô không đi khám.
 
21 năm mang bệnh Basedow, cô giáo Cil Jẹ vẫn kiên trì đứng lớp dạy học trò

Đến năm 1996, cục bướu to hơn, cô cảm thấy sức khỏe có phần giảm sút, lúc này, cô mới đến Bệnh viện Ung bướu TP. HCM để khám, cô Jẹ biết rằng mình bị bệnh Basedow. Thời gian đó, đồng lương ít ỏi không đủ để nuôi hai con ăn học và người chồng không có công việc ổn đinh, dẫu bệnh tật, sau giờ lên lớp cô lại tất tưởu lên rẫy làm nương. Cô nói: "Nhiều khi bị bướu hành hạ, tôi không ăn được cơm, người không còn sức sống, cánh tay mỏi rã rời, việc viết bảng cũng khó khăn. Nhưng nghĩ các em không hiểu bài, tôi lại lo lắng, tôi không cho phép mình được nản lòng".

Nhưng thật éo le hơn nữa khi đến năm 2012, bướu độc phát triển ngày càng lớn, nó chèn lên dây thanh quản khiến giọng nói của cô không được rõ ràng. Cô chia sẻ: “Bác sĩ cho biết tôi bị năng dây thanh quản, không được nói và hát nhiều. Nhưng ngoài các môn chính tôi còn phụ trách môn Âm nhạc nữa nên buộc lòng phải nói, phải hát như vậy học trò mới hiểu bài”.

Có lần nghe nói có phụ huynh lo lắng cô bị bệnh như vậy sẽ không truyền đạt hết kiến thức cho con em mình, cô đã từng nghĩ sẽ nghỉ dạy. Nhưng ánh mắt ngây thơ của những đứa trò nhỏ, chỉ là những câu nói trẻ thơ “Cô ơi, cô bị bệnh gì mà tội vậy cô”, tình yêu nghề luôn thôi thúc cô lên lớp giảng dạy.
 
Tình yêu nghề luôn thôi thúc cô lên lớp dạy học trò
Tình yêu nghề luôn thôi thúc cô lên lớp dạy học trò.

Hiện nay, định kỳ 2 ngày, cô lại đến khoa Y học hạt nhân, bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng để thăm khám và định kỳ 3 tháng phải đi xạ trị và uống thêm nhiều thuốc đông y để duy trì cuộc sống.

Được biết, trong hơn 20 năm đứng lớp, cô Cil Jẹ đã dạy dỗ nhiều thế hệ học trò, nhiều người đang đi học, nhiều người đã ra trường và thành đạt. Ngoài giờ học ở trường, nhiều gia đình người Lạch cũng mang con tới gửi nhờ cô kèm cặp thêm đều được cô tận tình dạy dỗ.

Cô Lưu Thị Liên, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, cho biết: "Cô Jẹ là người giản dị, hòa đồng và có năng lực, nhiệt tình giảng dạy, luôn tận tụy với học sinh. Dù mắc bệnh hiểm nghèo, kinh tế gia đình khó khăn nhưng cô luôn vượt khó để đến lớp, hoàn thành tốt các công việc được giao và các hoạt động khác của trường, đặc biệt là phong trào văn nghệ”.

Mặc dù sức khỏe không tốt, cuộc sống gia đình không được mấy hạnh phúc nhưng cô Cil Jẹ chưa bao giờ nghĩ mình bất hạnh. Cô cho rằng mình vẫn còn rất may mắn được đi học, mình có kiến thức nên cô vẫn sẽ kiên trì đứng lớp giảng bài cho đến khi không thể gắng gượng được nữa mới thôi.

 

Thông tin, bài viết đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

 

Hoàng Diệu