Trung Quốc:

28 năm tận tụy chăm sóc cô giáo cũ

(Dân trí) - 28 năm trước, ông Song Jinping (ở Bắc Kinh, Trung Quốc) đã đón cô giáo dạy mình thời tiểu học về nhà chăm sóc tận tình sau khi cô bị bệnh phải bỏ một con mắt. Hiện nay cô giáo 99 tuổi sống cùng gia đình ông Song trong hạnh phúc tuổi già.

Ông Song Jinping ngồi gần bàn ăn, nhìn chằm chằm vào món cá kho và cẩn thận nhặt xương cá trong khi vợ ông bận rộn nấu ăn trong căn bếp nhỏ.

"Bữa tối xong rồi", người đàn ông 69 tuổi nói to nhưng chậm rãi với một cụ bà đang nằm trên giường.

Ông Song mang món cá và bát cơm tới giường.

Ông Song giúp cụ bà ngồi dậy và trao cho cụ bát cơm và cái thìa. Ông ngồi cạnh bà cụ, để tiện giúp cụ nếu cần.

Suốt 28 năm qua, ông Song và gia đình chăm sóc bà cụ Zhong Bingkun - cô giáo chủ nhiệm của ông Song hồi tiểu học, hiện nay 99 tuổi.

28 năm tận tụy chăm sóc cô giáo cũ - 1
Ông Song Jinping (bên trái) dùng khăn lau khô tóc cho cô giáo Zhong Bingkun tại nhà ông ở Bắc Kinh hôm 31/10/2011. (Ảnh: China Daily)

Hồi năm 1956 khi Song chuyển đến Bắc Kinh, cô Zhong phụ trách lớp Song. Khi đó, Song sống với ông bố vốn là là một người lính nghiêm khắc. Mẹ Song qua đời vì bệnh tật khi Song mới 1 tuổi.

Cô giáo Zhong rất yêu quý cậu học sinh thông minh và ngoan ngoãn này, cô chăm sóc Song như là con của mình dù cô chưa kết hôn. Cô mang bữa sáng tới trường cho Song và cho cậu bé đi cùng khi cô đi chơi cùng các giáo viên khác.

"Tôi tin rằng có một mối gắn kết đặc biệt giữa tôi và cô Zhong, có thể định mệnh đã cho cô trò tôi gặp nhau. Mặc dù cô chỉ dạy tôi 1 năm, tôi thấy tình yêu thương và sự chăm sóc của cô như thể là của một người mẹ", ông Song kể.

Cô Zhong tiếp tục chăm sóc cậu học trò Song sau khi Song tốt nghiệp tiểu học. Cô thường xuyên thăm cậu bé và hỗ trợ cậu tiền bạc khi cần.

"Khi tôi học đại học, một buổi tối tôi cùng các bạn lớp đại học tới thăm cô Zhong. Cô rất vui và muốn tổ chức tiệc đãi chúng tôi, dù khi ấy cô chẳng dư dả gì", ông Song trầm giọng kể lại kỷ niệm này.

Trên đường tới chợ, cô Zhong bị ngã vào một hố sâu 3m, bị gãy xương sống.

"Tôi vẫn không nhớ được là làm cách nào mà cô đưa được cô lên khỏi hố", ông Song kể.

Sau đó, Song thấy cô Zhong cứ đập đi đập lại đầu vào tường trong đau đớn. Rồi bác sĩ cho Song biết mắt trái của cô Zhong bị bệnh glôcôm (tăng nhãn áp) và cần phải bỏ đi.

"Bố tôi luôn kể cho tôi nghe các chuyện về những người hiếu thảo và ông muốn tôi trở thành một người tử tế và hiếu thảo. Bởi vậy khi biết tình trạng bệnh của cô Zhong, tôi hiểu rằng tôi cần phải chăm sóc cô", ông Song tâm sự.

Khi vợ chồng ông Song mua được căn hộ rộng 50m2 vào năm 1983, ngay lập tức họ đón cô Zhong khi đó sống một mình về chăm sóc.

"Chồng tôi đã kể nhiều chuyện cho tôi nghe trước khi chúng tôi cưới nhau và tôi hiểu những cảm xúc của ông ấy và ủng hộ quyết định của chồng", bà Yang - vợ ông Song cho hay.

Căn hộ của vợ chồng ông Song có 2 phòng ngủ, 1 phòng dành cho vợ chồng ông và một phòng dành cho cô Zhong. Cô con gái Song Yang của họ sống ở ban công đến năm 2008 thì sống cùng phòng với bà cụ Zhong.

"Tôi không phàn nàn gì vì bà Zhong là bà của tôi”, Song Yang nói. Năm nay, cô đã chuyển đi sau khi kết hôn, nhưng vẫn hay đến thăm bà Zhong và mang quà cho bà.

Để bà cụ Zhong được vui và không cảm thấy cô đơn, gia đình ông Song mua cho cụ chiếc đài và lúc nào cũng bật.

Mặc dù cụ Zhong không nghe được rõ ràng và đôi khi cụ cũng bị lẫn, mỗi khi cụ nghe được tin tức gì hay, cụ lại nói to lên để báo cho cậu học trò của mình.

Khi ông Song ngồi trên giường để chải tóc cho cụ Zhong, cụ nói rất to: "Tôi rất hạnh phúc. Nếu không có gia đình nhà Song, tôi không biết giờ đây mình sẽ thế nào”. Cụ nói đi nói lại câu này và một nụ cười tươi nở trên khuôn mặt nhăn nheo của cụ.

Xuân Vũ
Theo Chinadaily