3 câu hỏi hay nhất đối với Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân?

(Dân trí) - Bắt đầu giao lưu từ lúc 14h30 và kéo dài trong 120 phút, đã có tới hơn 300 câu hỏi gửi đến cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân qua website của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nếu trả lời hết số câu hỏi này thì thời gian dành cho mỗi câu chỉ được chưa tới… 30 giây.

“Trên đường đi đến đây, tôi chỉ nghĩ các câu hỏi chỉ trên dưới 100 câu, cùng lắm là đến 200 câu, không ngờ lại nhiều đến thế. Tuy buổi giao lưu hôm nay không thể trả lời hết số lượng câu hỏi lớn như vậy, nhưng tôi xin ghi nhận toàn bộ hơn 300 câu hỏi này và lần lượt trả lời trên trang web của Bộ GD-ĐT ”- Bộ trưởng Nhân đã cho biết như vậy sau buổi đối thoại trực tuyến với người dân vào chiều qua, 18/12.

 

Giáo dục là một lĩnh vực nhạy cảm, các vấn đề giáo dục không thể trả lời với tốc độ “tên bắn” và vì vậy trong hai tiếng đồng hồ, Bộ trưởng chỉ kịp giải đáp khoảng 10 câu hỏi. Theo ghi nhận của chúng tôi, trong suốt buổi giao lưu, có 3 câu hỏi khiến Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ tình cảm của mình một cách rõ ràng nhất:

 

1. Câu hỏi Bộ trưởng quan tâm nhất: Vấn đề tăng học phí

 

Thời gian trả lời câu hỏi của một bạn đọc về vấn đề học phí được Bộ trưởng Nhân ưu ái hơn hẳn, ông cũng say sưa và nhiệt tình một cách khá đặc biệt khi phân tích về vấn đề phải tăng học phí.

Theo ông, phải tăng học phí vì khung học phí hiện nay chưa phù hợp với tình hình cả nước. Ở miền núi, học phí không nhiều, 15.000-20.000 đồng/tháng. Nếu không tăng học phí thì các trường không có điều kiện để tăng cơ sở vật chất. Việc tăng học phí là nhằm huy động nhiều nguồn lực cho hệ thống giáo dục, từ đó ngành giáo dục mới có cơ sở đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, ông nhấn mạnh tăng học phí phải dựa trên mức thu nhập của mỗi gia đình, nếu vượt quá thì không có khả năng chi trả.

Bộ trưởng Nhân phân tích: “Suy bằng tiền thì ở Hà Nội phải đóng nhiều hơn và đóng tùy theo mức sống địa phương. Ở khu vực thành phố đóng nhiều hơn, trường thu được nhiều sẽ có điều kiện nâng cấp cơ sở vật chất. Vùng núi thì đóng ít hơn, chỉ bằng 1/5, 1/8, còn thiếu thì Nhà nước phải trả, để chuẩn giáo dục phải đúng như chuẩn đã đề ra. Đó là công bằng.

Thứ hai, ngay tại địa phương, có thể HĐND quyết mức học phí chung của địa phương. Chúng ta biết rằng có khoảng 20% người dân có mức thu nhập cao. Nếu hộ này muốn đóng thêm thì có cho phép không? Chúng tôi đề nghị cho phép. Có những trường có thể cung cấp dịch vụ cao hơn thì có thể chấp nhận. Trong học phí có thể có hai nhóm: theo quy định chung và dịch vụ cao. Phổ thông đóng theo thu nhập.

Tiếp tục miễn giảm cho những gia đình khó khăn. Qua cân đối, bậc THCS ở đồng bằng và miền núi, 1 năm mức học phí thu vào không nhiều. Chúng tôi đang kiến nghị với miền núi không thu, miễn luôn đối với học phí THCS. Đây là dự kiến trình của Bộ.

Sinh viên đại học, ví dụ quy định 150.000-180.000 đồng = 80% tiền lương tối thiểu. Học đại học ra để hành nghề, có thu nhập. Nếu học sinh này không có khả năng đóng học phí thì hình thành hệ thống cho vay để học. Sau một thời gian sẽ trả. Hệ thống này giúp sinh viên vượt qua khó khăn và có trách nhiệm hơn với xã hội, ngoài ra còn có học bổng, khen thưởng”.

2. Câu hỏi khiến Bộ trưởng hạnh phúc nhất

Đó là câu hỏi của một cháu học sinh lớp 5 là Gia Minh (54 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP.HCM; email: giaminhhienlong@vnn.vn):Cháu là học sinh lớp 5, học lớp tiếng Anh tăng cuờng. Cháu hay chat với các bạn cùng lứa tuổi ở nước ngoài. Cháu thấy các bạn ấy không giỏi bằng học sinh Việt Nam về các môn cơ bản Toán, khoa học tự nhiên lắm, nhưng có kiến thức rộng, biết thể thao, văn hóa, âm nhạc và rất tự tin trước cuộc sống. Cháu mong chương trình dạy học trong nhà trường ta có thêm nhiều môn học này và phải trở thành những môn học được chú trọng thật sự. Mong bác Nhân quan tâm đến nguyện vọng của chúng cháu”.

Ngay sau khi nhận được câu hỏi này, Bộ trưởng Nhân đã thốt lên: “Tôi thật hạnh phúc khi có mt cháu bé mới chỉ học lớp 5 mà đã đặt câu hỏi này cho tôi. Năm nay cháu đang học lớp 5, nếu cố gắng rèn luyện, đến năm cháu học lớp 8, lớp 10, cháu cũng sẽ giỏi về văn-thể-mỹ. Cháu cũng có thể khuyên các bạn cùng tập luyện, để không phải thua kém bất cứ bạn nước ngoài nào”. Bộ trưởng thấy hạnh phúc vì nếu cháu học sinh nào cũng có sự mong muốn như Gia Minh thì các học sinh của Việt Nam chắc chắn sẽ ngày càng giỏi hơn.

Sau những cảm giác “hạnh phúc”, Bộ trưởng cũng thể hiện sự trăn trở: Thực tế, số lượng giáo viên văn-thể-mỹ của chúng ta hiện nay rất thiếu. Xã hội và bản thân phụ huynh cũng chưa có sự quan tâm nhiều tới ngành này.

Học cừ các môn toán, lý, hóa là thế mạnh của học sinh, sinh viên Việt Nam. Vì thế khi ra nước ngoài, sinh viên Việt Nam học rất giỏi các môn tự nhiên. Hạn chế trên là do chúng ta thiếu giáo viên trong các trường sư phạm. Các chuyên ngành họa, nhạc, thể dục thể thao có sức hút hút thấp đối với sinh viên. Bản thân thầy cô trong những ngành này rất thiếu, phương tiện cũng thiếu.

Bộ chúng tôi đang chuẩn bị trình Chính phủ đề án trong đó có tăng cường cơ sở vật chất, đồng bộ về cơ cấu giáo viên để tăng cường hơn nữa các ngành học văn-thể-mỹ.

3. Câu hỏi khiến Bộ trưởng bộc lộ mình rõ nhất

Bộ trưởng có những tâm tư nguyện vọng và những hoạch định gì trong suốt nhiệm kỳ của mình?

“Không biết mình có “bơi” được không vì mình xa ngành cũng đã lâu”- Bộ trưởng đã không hề giấu giếm khi bộc lộ cái mà Bộ trưởng tự cho là “điểm yếu” của mình như vậy. Và cũng bằng cách trả lời hết sức dân dã, ông bộc bạch: “Đây là một câu hỏi mà để trả lời thì lâu lắm mới hết được”.

“Khi được Nhà nước phân công làm giáo dục, tôi thấy trách nhiệm và lo lắng. Trách nhiệm vì thấy đây là một việc làm rất có ý nghĩa với đất nước trong quá trình đổi mới hội nhập và lo lắng vì đã 9 năm nay tôi không làm công tác quản lý giáo dục.

 

Năm cuối cùng tôi làm quản lý giáo dục là năm 1997, khi đó tôi là Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa. Khi tôi mới về, nhiều người cũng lo cho chúng tôi vì không biết liệu chúng tôi có bơi được không nhưng điều này tôi cũng tin tưởng các anh em ở Bộ đã lăn lộn vì điều này từ rất lâu rồi, các thầy cô cơ sở cũng rất tâm huyết. Khi đánh giá lại tình hình, tôi rằng giáo dục nước nhà sẽ phát triển tốt hơn trên cơ sở những thành tựu đạt được”.

 

Những tháng tiêu điểm của toàn ngành giáo dục trong thời gian tới:

 

Trong các câu trả lời độc giả, Bộ trưởng Nhân đã đưa ra những mốc thời gian sự kiện của ngành trong thời gian tới:

 

1. Cuối tháng 12 trình Chính phủ Đề án mới về Học phí. Trong tuần sau sẽ lấy ý kiến của một số đại diện phụ huynh và học sinh.

 

2. Đầu tháng 1/2007, giao ban toàn quốc về cuộc vận động “Hai không”. Đây cũng chính là thời điểm kết thúc Học kỳ 1. Cuộc họp giao ban này sẽ là chất xúc tác để đẩy mạnh hơn nữa tinh thần của cuộc vận động này sao cho đến cuối năm học 2006-2007, các kỳ thi sẽ trở nên nghiêm túc hơn.

 

Theo đà này,  năm học 2007-2008 sẽ tổ chức thi phổ thông nghiêm túc trên cả nước và các trường đại học sẽ căn cứ vào đó làm cơ sơ lựa chọn “đầu vào”.

 

3. Cuối tháng 1/2007, Hội nghị toàn quốc các trường sư phạm. Đây được coi là đợt nghiên cứu toàn diện nhất trong 10 năm qua.

 

4. Tháng 5/2007 trình Chính phủ Đề án tăng lương cho giáo viên. Bộ trưởng giải thích tại sao phải đợi đến tháng 5 trong khi ý tưởng đã khá rõ ràng? Vì tháng 5 tới cũng là lúc Quốc hội bầu nhiệm kỳ mới và Bộ sẽ trình vào thời gian đó, như vậy vừa gắn với nhiệm kỳ và Bộ cũng có thời gian chuẩn bị cho kỹ.

 

Mai Minh
(Thực hiện)