3 giải pháp “cứu” môn Lịch sử

(Dân trí) - Xem thường việc nghiên cứu và giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ chắc chắn là một sai lầm nghiêm trọng, mà tai họa của nó sẽ không sao lường hết được! Việc dạy và học sử ở nước ta đang có những vấn đề rất nan giải, đáng báo động.

Vì thế, gần 30 nhà sử học, các nhà giáo lão thành, lãnh đạo các trường đại học và các thày, cô giáo dạy sử cấp phổ thông đã cùng ngồi lại bàn bạc về vấn đề này trong Hội thảo "Thực trạng việc dạy và học môn lịch sử trong trường phổ thông - Nguyên nhân và Giải pháp" do hội Khoa học Lịch Sử Việt Nam vừa tổ chức.

Dưới đây là tổng hợp của Dân trí về 3 giải pháp "cứu" môn Lịch sử được căn cứ trên những ý kiến từ cuộc Hội thảo khoa học này. Bản kiến nghị chính thức về các giải pháp cho môn Lịch sử do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam thực hiện gửi Bộ GD- ĐT dự kiến sẽ được hoàn thành vào cuối tháng 4 tới.

Phải lấy lại công bằng cho môn Lịch sử!

Phải có sự thay đổi mang tính cách mạng về quan niệm đối với môn Lịch sử ở bậc phổ thông được các ý kiến thống nhất là giải pháp hàng đầu. Phải có quan niệm đúng về bộ môn Lịch sử từ các cấp quản lý giáo dục đến cha mẹ học sinh và toàn xã hội. Không có quan niệm đúng về môn học thì tất cả những đề xuất về đổi mới nội dung, phương pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy học bộ môn đều không thể thực hiện được.

Trên thế giới, các nước đều coi môn Lịch sử là một trong những môn học cơ bản trong chương trình giáo dục phổ thông. Nước ta trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, môn Lịch sử, trước hết là môn quốc sử, càng giữ vai trò quan trọng trong trang bị kiến thức cơ sở, giáo dục các giá trị truyền thống, góp phần xác lập bản lĩnh con người để thế hệ trẻ cùng với nền tảng giáo dục phổ thông, có thể bước vào đời, thực hiện trách nhiệm công dân đối với xã hội.

Nhưng, sau bậc học phổ thông, chỉ có một số ít học sinh đi các các ngành của khoa học lịch sử, còn đại bộ phận đi vào các ngành khoa học khác mà không còn tiếp tục học môn lịch sử. Vì vậy đối với thế hệ trẻ, kiến thức lịch sử chỉ được trang bị chủ yếu qua môn sử cấp phổ thông, cộng với những hiểu biết được bổ sung qua đọc sách báo hay tự học.

Nếu không sớm cải cách môn Lịch sử ở cấp học phổ thông, khắc phục tình trạng sa sút đến mức báo động như hiện nay thì sẽ tạo ra những hẫng hụt trong kiến thức về lịch sử Việt Nam và thế giới, để lại những hệ quả rất đáng lo ngại trong kế thừa các giá trị di sản lịch sử và văn hóa dân tộc, trong gìn giữ bản sắc dân tộc, trong định hướng phát triển nhân cách, bản lĩnh con người Việt Nam nhất là khi giao lưu và đối thoại với các nền văn minh, văn hóa thế giới.

Nên có hai bộ sách giáo khoa Lịch sử

Hiện tại cũng có nhiều loại sách học lịch sử cho học sinh (sách chuyên ban, sách đại trà, sách nâng cao, sách tham khảo, sách bài tập, sách ôn luyện…), trong đó sách giáo khoa chuẩn vẫn là sách cho đại trà (đại bộ phận học sinh toàn quốc). Bộ sách chuẩn này nên chia làm 2 bộ: một bộ chuẩn kiến thức môn lịch sử và một bộ giáo khoa tham khảo.

Bộ chuẩn kiến thức thật tinh gọn và bộ giáo khoa tham khảo thật đầy đủ. Đây là hai bộ song hành nhưng không phải bộ này là tóm tắt của bộ kia hay bộ này hoàn thiện bộ kia.

Nội dung bộ chuẩn kiến thức ở cấp 1 chỉ nên là những bài học lịch sử về các nhân vật lịch sử; còn bộ giáo khoa tham khảo ở cấp này là những mẩu chuyện hay chuyện kể lịch sử, xây dựng lịch sử thành truyền thuyết (truyền thuyết hóa, thần thoại hóa lịch sử)

Nội dung bộ chuẩn kiến thức ở cấp 2 là những sự kiện lịch sử; bộ giáo khoa tham khảo ở cấp 2 cũng xoay quanh các mô tả về sự kiện lịch sử, nên viết dưới dạng tư liệu lịch sử hay sử ký.

Nội dung bộ chuẩn kiến thức cấp 3 là những vấn đề lịch sử (gồm cả nội dung và ý nghĩa, bản chất sự vật sự việc và nhận định đánh giá); còn bộ sách giáo khoa tham khảo cấp 3 viết như bộ giáo khoa đã có, nhưng nên thể hiện nhiều chiều, nhiều phía, chứ không nên một chiều như hiện nay.

Cần chọn lựa tác giả là những người giỏi về chuyên môn, nhiều kinh nghiệm sư phạm. Cần một đội ngũ phản biện, góp ý kiến có trình độ khoa học, có kinh nghiệm sư phạm và có nhiệt tâm với tinh thần trách nhiệm cao. Bên cạnh các nhà sử đầu ngành rất cần có sự góp ý của giáo viên giỏi ở THPT, họ là những người gần gũi học sinh có thể nhận biết khả năng tiếp thu của học sinh đối với từng trang sách, có thể góp nhiều ý kiến xác đáng phù hợp với thực tiễn giảng dạy trong nhà trường. Hội đồng thẩm định nhất thiết phải có thầy cô giáo phổ thông.

Đào tạo lại đội ngũ giáo viên dạy Sử

Đồng thời với việc khôi phục vị trí môn sử trong trường phổ thông, ngành giáo dục phải tập trung đào tạo và đào tạo lại đội ngũ giáo viên dạy sử trong toàn quốc và xem đây như là một trong những việc lớn của chiến lược giáo dục Việt Nam cho đến năm 2020.

Phải kiên quyết lấy điểm chuẩn tuyển sinh cao, không chạy theo số lượng nhằm chọn lọc được những sinh viên ưu tú và say mê sử học, đặc biệt chú ý đến hệ cử nhân tài năng trong ngành sử. Phải có một chương trình dài hạn nhằm không ngừng bổ sung kiến thức và phương pháp giảng dạy lịch sử cho đội ngũ giáo viên phổ thông.

Mỗi năm vào mùa hè ngành giáo dục nên tổ chức nhiều lọai hình học tập linh họat, hiệu quả nhằm nâng dần chất lượng và lòng yêu nghề của đội ngũ giáo viên môn sử. Phải hết sức chú ý khuyến khích giáo viên dạy sử ở phổ thông tiếp tục học sau đại học, đạt được trình độ thạc sĩ, tiến sĩ Lịch sử.

Hội khoa học Lịch sử ở trung ương và các tỉnh, thành phố nên chú ý lôi cuốn đội ngũ giáo viên dạy sử gia nhập hội và có nhiều phong trào giúp họ nâng cao trình độ học thuật và phương pháp giảng dạy lịch sử.

Mai Minh (tổng hợp)

Dòng sự kiện: Đánh giá lại SGK