3 lợi thế của đào tạo tín chỉ

(Dân trí) - Đào tạo theo học chế tín chỉ là một trong 7 bước đi quan trọng trong lộ trình dổi mới giáo dục đại học giai đoạn 2006-2020. Khi hoà nhập vào hình thức đào tạo chuyển từ niên chế hiện nay sang tín chỉ, sinh viên sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.

Theo Vụ trưởng Vụ ĐH và SĐH Trần Thị Hà, tháng 12 năm nay sẽ hoàn thành việc thu thập ý kiến đóng góp về nội dung chuyển đổi hình thức đào tạo này và đến tháng 3 năm sau sẽ có quy chế chính thức và hướng dẫn đào tạo theo tín chỉ.

 

Hiện nay, cả nước mới chỉ có khoảng 6 trường ĐH áp dụng phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ, trong đó có hai trường ĐH tại Hà Nội là ĐH Xây dựng và ĐH Dân lập Thăng Long, 4 trường còn lại là ĐH Thủy sản Nha Trang, ĐH Đà Lạt, ĐH Khoa học tự nhiên thuộc ĐHQG TPHCM và ĐH Bách khoa TPHCM.

 

Giảm đáng kể phần “cứng”, tăng đáng kể “phần mềm” là một trong những nguyên tắc của đào tạo theo học chế tín chỉ. Phần “cứng” là những môn học có tính chất bắt buộc, còn phần “mềm” là những môn học dưới dạng tín chỉ và người học có thể hoàn toàn chủ động sắp xếp thời gian để có thể hoàn thành phần mềm này.

 

Sự phân bố như thế gần như ngược lại với việc đào tạo theo niên chế, sẽ đặt người học vào sự phân hoá tương đối rõ nét. Nếu sinh viên nào có sức học đuối, “phần mềm” sẽ bị kéo dài ra và ngược lại, sinh viên khá giỏi sẽ tiết kiệm được khá nhiều thời gian. Trong đào tạo học chế tín chỉ không có khái niệm “lưu ban”.

 

Chẳng hạn như tại ĐH Xây dựng, mỗi tín chỉ được quy định tương đương với 15 tiết lý thuyết, 30 tiết thảo luận và làm bài tập, thí nghiệm và 45-60 tiết thực tập. Những sinh viên giỏi có thể hoàn thành đến hơn 20 tín chỉ trong môt học kỳ, những sinh viên không có đủ điều kiện thì chỉ cần hoàn thành trong một học kỳ từ 9-10 tín chỉ. Đó là lợi thế đầu tiên.

 

Tại ĐH Dân lập Thăng Long thì để tốt nghiệp, mỗi sinh viên phải hoàn thành 210 tín chỉ và mỗi năm mỗi sinh viên phải hoàn thành ít nhất là 45 tín chỉ.

 

Từ khi chuyển sang hình thức đào tạo tín chỉ, số sinh viên được tốt nghiệp sớm hơn so với các chương trình 4 năm, 5 năm thông thường ở ĐH Xây dựng là khoảng 30% trong tổng số sinh viên; ở ĐH Dân lập Thăng Long có khoảng 15% sinh viên được tốt nghiệp sớm.

 

Lợi thế thứ hai là, khi điều kiện kinh tế không cho phép các em được tiếp tục theo học thì sinh viên có thể hoàn toàn được phép kéo dài chương trình học (trong một khoảng thời gian theo quy định riêng từng trường) mà không bị ảnh hưởng gì khi các em quay lại tiếp tục chương trình học.

 

Lợi thế thứ ba , ngoài việc chủ động và tiết kiệm thời gian trong học tập, sinh viên còn có thể chuyển đổi chuyên ngành mình đang theo học một cách khá dễ dàng và không phải học lại từ đầu. Nếu biết sắp xếp những tín chỉ giống nhau giữa hai ngành một cách hợp lý, sinh viên có thể hoàn toàn tốt nghiệp được hai chương học trong một thời gian giảm đáng kể so với hình thức đào tạo theo niên chế.Ví dụ như sinh viên có thể có hai bằng marketing và kế toán mà chỉ cần phải học thêm khoảng 5 tháng.

 

Bên cạnh 3 mặt lợi trên thì với phương thức đào tạo tín chỉ, nếu áp dụng đại trà ngay trong thời gian này cũng có một vài hạn chế chưa thể khắc phục như tổ chức đoàn thể, tổ chức lớp học có thể bị phá vỡ khi sinh viên hoàn toàn chủ động trong cách học cũng như thời gian học. Cùng đó, việc đăng ký, lựa chọn các tín chỉ phù hợp đối với sinh viên không phải là dễ dàng gì, sinh viên phải có khả năng tự chủ cao trong việc sắp xếp lộ trình học tập…

 

Vì vậy, theo bà Trần Thị Hà, việc triển khai đào tạo tín chỉ trong năm tới cũng chỉ thực hiện ở một số trường hoặc một số khoá trong các trường đại học có điều kiện.

 

Châu Bi