3 nỗi lo lắng của một đề án

(Dân trí) - Mặc dù khi xây dựng “Đề án tổng thể về đổi mới công tác thi và tuyển sinh” với phương án tổ chức một kỳ thi quốc gia sau THPT để thay thế cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng luôn khẳng định rằng đây chính là một cách làm rất nhiều ưu việt. Nhưng, những bước triển khai đề án này vào thực tế đang rất mơ hồ.

Làm thế nào để diệt được tận gốc gian lận?

 

Hàng chục năm nay, dư luận đã quá quen với các khung cảnh trèo tường ném bài và những Hội đồng thi tốt nghiệp THPT như chợ vỡ tại nhiều địa phương. Tình hình này mới chỉ đươc chấn chỉnh khoảng 1, 2 năm gần đây gắn với sự dũng cảm tố cáo của thầy giáo Đỗ Việt Khoa ở Hà Tây và thầy giáo Lê Đình Hoàng ở Nghệ An trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2006. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia giáo dục thì đó mới chỉ là sự chấn chỉnh bề nổi, phải rất lâu nữa không khí thực sự nghiêm túc mới có thể đến đươc với các kỳ thi ở địa phương.

 

Trong khi đó, kỳ thi quốc gia sau THPT dự kiến tiến hành vào ngay năm 2008 và sẽ thực hiện tại các địa phương. Với một lực lượng Thanh tra Bộ quá mỏng với chỉ trên dưới 20 người, việc siết chặt kỷ luật của kỳ thi này là một mong muốn không tưởng. Các hy vọng của Bộ là làm thế nào để ngăn chặn ngăn gian lận đặt vào 3 yếu tố rất mong manh.

 

Theo Cục Trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) Nguyễn An Ninh, đó là: Thứ nhất, thi bằng phương pháp trắc nghiệm có thể hạn chế đến mức tối thiểu sự gian lận, tiêu cực, nhất là những tiêu cực mang tính tổ chức. Thứ hai, việc ứng dụng công nghệ thông tin có thể giúp thực hiện những biện pháp kỹ thuật nhằm kiểm soát, hạn chế tiêu cực, giảm sự can thiệp của con người vào quá trình thi cử giúp cuộc thi có chất lượng cao hơn, khách quan hơn... Thứ ba, Sự giám sát của xã hội.

 

Về đề thi trắc nghiệm khác quan thì hiện Ngân hàng đề thi của Bộ còn quá “nghèo” và không đủ sức để hạn chế tối thiểu  sự gian lận. Về ứng dụng công nghệ thông tin trong thi cử đến thời điểm này, phần lớn các Sở GD-ĐT của nhiều địa phuơng không thể hình dung ra được cái phần mềm chống gian lận do Bộ sản xuất có những tính năng gì và ứng dụng ra sao.

 

Làm thế nào để giữ được một kỳ thi quốc gia sau THPT như vậy được “trong sạch” là một câu hỏi hoàn toàn bị bỏ ngỏ.

 

3 tầng trong một đề thi?

 

Cũng theo Đề án này, để có thể tổ chức được  một kỳ thi quốc gia phục vụ cả hai mục tiêu xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ và TCCN thì kết quả của đề thi phải thoả mãn được các yêu cầu: Xét tốt nghiệp, xét vào ĐH, xét vào CĐ và TCCN. Cục cũng khẳng định sẽ đảm đương được một đề thi hoàn toàn thỏa mãn được các yêu cầu này theo hướng mỗi môn thi đều ra theo chương trình THPT, có phần đề thi theo chương trình chuẩn để có điểm sàn xét tốt nghiệp và phần đề thi theo chương trình nâng cao, phân hóa tương ứng với mức điểm sàn xét tuyển ĐH, CĐ, TCCN

 

Như vậy, ở đề thi này phải có ít nhất 3 tầng với các loại  câu hỏi sao cho kiểm tra được trình độ của học sinh tốt nghiệp THPT, trình độ của thí sinh vào ĐH và trình độ của thí sinh vào CĐ.

 

Thực tế cho thấy trong 5 năm qua, với đề thi chung mà Bộ cáng đáng cho các trường với chỉ một “tầng” mà đã năm khó, năm dễ và cũng phải trục trặc 2, 3 năm việc ra đề mới dần đi vào ổn định. Nay, công việc ra đề sẽ trở nên khó gấp 3 lần thì kết quả của công việc này càng phải phụ thuộc rất nhiều vào thời gian.

 

Phá vỡ khái niệm truyền thống “kiếng ba chân”

 

Các khối thi A, B, C, D với mỗi môn thi là 3 môn đã tồn tại gần 30 năm nay trong tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ không còn. Thí sinh sẽ phải thi 6 môn, trong đó có 4 môn bắt buộc gồm toán, ngữ văn (gồm phần ngôn ngữ và văn học), ngoại ngữ một môn bất kỳ do Bộ GD&ĐT qui định hằng năm, 2 môn tiếp theo thí sinh sẽ lựa chọn trong số 4 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lý để thi.

 

Để vào được ĐH, thí sinh sẽ phải trải qua thử thách gấp hai lần khi số môn thi phải tăng lên gấp đôi. Tuy nhiên, đề án cũng “hứa hẹn” thí sinh có cơ hội đăng ký xét tuyển vào nhiều ngành khác nhau hơn tùy thuộc khả năng và nguyện vọng do không bị ràng buộc bởi ba môn thi của từng khối thi cố định như hiện nay.

 

Các trường sẽ chỉ xét tuyển kết quả hai môn thí sinh đã chọn hay xét tuyển dựa vào kết quả của tổng 6 môn? Câu hỏi này chưa được đề án đề cập đến.

 

Cũng theo đề án thì học sinh được đăng ký môn thi trong tháng sáu. Lịch thi sẽ được sắp xếp lần lượt liên tục để nếu thí sinh có nhu cầu, nguyện vọng có thể dự thi tối đa đủ cả tám môn, lấy kết quả xét tuyển vào nhiều trường ĐH khác nhau. Như vậy, thay vì việc thi chỉ tập trung vào 1, 2 ngày như trước đây, thí sinh sẽ phải dự thi ròng rã hàng tuần  lễ và việc xét tuyển của các trường ĐH, CĐ chắc chắn sẽ không thể thoát khỏi tình trạng chồng chất ảo.

 

Năm 2008 sẽ áp dụng "Kỳ thi quốc gia sau THPT"

 

Đó là một kỳ thi được tổ chức vào tháng 7 hằng năm với 8 môn: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý. Sẽ chỉ có một đề thi chung, không phân biệt hệ THPT và bổ túc THPT.

 

Đó là một trong những nội dung mà Đề án tổng thể về đổi mới công tác thi và tuyển sinh do Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đang thực hiện và dự kiến sẽ hoàn thành vào những tháng tới với mục đích làm sao sáp nhâp được hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH để đem lại một kết quả khả quan nhất.

 

Nếu Đề án này thành công, từ năm 2008 sẽ chỉ còn một kỳ thi quốc gia với tên gọi “Kỳ thi quốc gia sau THPT”.

 

Số lượng 8 môn thi dự kiến sẽ được phân bổ như sau: Để lấy kết quả xét tốt nghiệp THPT, thí sinh vẫn chỉ thi sáu môn như trong kỳ thi tốt nghiệp hiện nay. Trong đó có 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và ngoại ngữ, một môn bắt buộc do Bộ GD-ĐT qui định hằng năm, đảm bảo để học sinh học toàn diện. Hai môn còn lại do thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại.

 

Thí sinh dự định đăng ký xét tuyển vào trường ĐH, CĐ hay TCCN nào sẽ chọn môn thi phù hợp để lấy kết quả dự tuyển vào trường đó và những trường có cùng môn thi, khối thi khác. Riêng các trường có môn năng khiếu sẽ tổ chức thi riêng.

 

Các trường ĐH, CĐ và TCCN phải công bố danh sách các môn thi theo yêu cầu tuyển chọn vào các ngành đào tạo của trường mình trong số 8 môn kể trên (kể cả môn năng khiếu nếu có) vào thời điểm trước tháng 6 hàng năm là thời gian mà thí sinh sẽ lựa chọn thi môn nào cho mình.

 

Mai Minh