3 phương án thi quốc gia: Nhiều ý kiến lựa chọn khác nhau

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT đã công bố 3 phương án thi quốc gia nhằm xét công nhận tốt nghiệp THPT và là căn cứ quan trọng cho việc xét tuyển vào ĐH, CĐ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến góp ý lựa chọn phương án khác nhau.

Thí sinh hồi hộp chờ đợi phương án thi năm 2015

Thí sinh hồi hộp chờ đợi phương án thi năm 2015.

Phát biểu tại hội nghị tổng kết năm học, ông Bùi Đức Cường, Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Nguyên, lựa chọn phương án 1. Bởi theo ông, có 2 điểm làm căn cứ để đề xuất, đó là thực trạng hiện nay vấn đề dạy và học phù hợp với cách kiểm tra đánh giá, gần với công việc ngành đã làm, không gây ra tâm lý lo lắng trong xã hội. Bộ GD-ĐT nênphương án này làm ngay trong năm 2015 không phải lo sớm hay muộn.

Bạn đồng ý theo phương án thi nào trong số 3 phương án tổ chức kì thi quốc gia do Bộ GD - ĐT vừa mới công bố tại hội nghị tổng kết năm học 2013 - 2014?
Phương án 1: thi truyền thống 8 môn thi gồm toán, ngữ văn, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý.
Phương án 2: tổ chức thi với 5 bài thi, trên cơ sở tổng hợp từ kiến thức, kỹ năng của 8 môn học toán, ngữ văn, ngoại ngữ, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý.
Phương án 3: chọn 11 môn học ở lớp 12 để tổng hợp thành 4 bài thi gồm: bài thi Toán - Tin, bài thi Khoa học Tự nhiên, bài thi Khoa học xã hội và bài thi Ngoại ngữ.
Ý kiến khác
  
Bên cạnh đó, cách ra đề thi tốt nghiệp năm 2014 rất thích hợp, đảm bảo các kiến thức cơ bản, đảm bảo học sinh có khả năng được sáng tạo trong quá trình làm bài. Theo đó, cách ra đề thi phương án 1 trong thời gian tới là phù hợp. Còn phương án 2, 3 cần thêm thời gian chuẩn bị mới có thể triển khai được. Bài tích hợp cần sự chuẩn bị. Cách thức ra đề phải có thời gian công bố trước.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Minh Quân, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc, cũng đồng tình với phương án 1 và nên áp dụng ngay trong năm 2015. Bởi việc thi cử, học sinh và giáo viên luôn thực hiện hàng năm nên áp dụng thi theo phương án 1 sẽ không gây xáo trộn.

“Đổi mới theo phương án 1 chỉ là về cách thức tổ chức kỳ thi như thế nào và những người thực hiện kỳ thi vất vả hơn thôi chứ không nặng nề với học sinh. Nếu thực hiện được kỳ thi này trong năm tới sẽ giảm tốn kém cho học sinh, phụ huynh” - ông Quân cho hay.

Tuy nhiên, về phía trường đại học, PGS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội lại cho rằng phương án 2 phù hợp hơn. Cách ra đề thì có thể điều chỉnh từ từ, ban đầu là theo yêu cầu tổng hợp kiến thức, sau đó sẽ chuyển sang tích hợp nhiều môn thi trong một bài thi.
 
PGS.TS Minh không đồng tình với việc cho phép học sinh được chọn 1 trong 2 bài thi khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội, mà đây phải là 2 bài thi bắt buộc, bởi đây là kiến thức nền tảng của mọi học sinh.
 
PGS.TS Nguyễn Văn Minh lựa chọn phương án 2
PGS.TS Nguyễn Văn Minh lựa chọn phương án 2.

Đứng về góc độ khác, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ vẫn đang băn khoăn với cả 3 phương án.

Trao đổi với báo chí, ông cho rằng, phương án 1 chẳng khác gì với kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, với 2 môn thi bắt buộc và 2 môn tự chọn. Phương án này không có gì mới mà đi lại con đường cũ vừa rồi, không đánh giá được thực chất học sinh.

Với phương án thứ 2, khả quan hơn nhưng nếu giữ nguyên như đề xuất hiện nay thì không hoàn chỉnh vì bắt buộc thi Toán, Văn, Ngoại ngữ. Nhưng với hai bài còn lại là tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) và xã hội (Sử, Địa) lại chỉ chọn một bài là không ổn, cho nên theo tôi thì phải chọn cả 5 môn còn lại là Lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa.

Còn với phương án 3 mặc dù phải gắn với chương trình dạy tích hợp nhưng thực chất chỉ là tổng hợp các phần của mỗi môn thôi chứ không phải tích hợp.

“Với một kỳ thi quốc gia quan trọng như vậy thì không nên nặng nề vấn đề kinh phí ở phương án nào, mà điều quan trọng là phải thống nhất được phương án nào tích cực nhất, dù có tốn kém nhưng nếu thực sự thay đổi được tương lai nền giáo dục quốc gia thì vẫn phải làm” - PGS Nhĩ cho hay.

3 phương án thi mà Bộ GD-ĐT công bố:

Thi theo môn - Phương án 1

Thi 8 môn, gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ; có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi 1 môn;

Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn (gọi là các môn thi tối thiểu) gồm: 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Lịch sử và Địa lí;

Kết quả của 4 môn thi tối thiểu được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT; kết quả 4 môn thi này cũng được sử dụng để đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ có các môn thi phù hợp với ngành đào tạo.

Ngoài 4 môn thi nói trên, thí sinh có quyền đăng ký thi thêm các môn thi của Kỳ thi THPT quốc gia còn lại để sử dụng cho việc đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ theo yêu cầu của các ngành đào tạo do từng trường ĐH, CĐ quy định.

Thi theo bài - Phương án 2

Trong Kỳ thi, 8 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi gồm:

- Bài thi Toán;

- Bài thi Ngữ văn;

- Bài thi Ngoại ngữ;

- Bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lí, Hóa học và Sinh học);

- Bài thi Khoa học Xã hội (gồm Lịch sử và Địa lí);

Có 5 buổi thi trong 2,5 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi.

Mỗi thí sinh phải thi 4 bài thi gồm: 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; 1 bài thi do học sinh tự chọn từ Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội.

Thi theo bài - Phương án 3:

Trong Kỳ thi, 11 môn học ở lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lí, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân được chọn để tổng hợp thành 4 bài thi gồm:

- Bài thi Toán – Tin (gồm các môn Toán và Tin học);

- Bài thi Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học và Công nghệ);

- Bài thi Khoa học Xã hội (gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí và Giáo dục công dân);

- Bài thi Ngoại ngữ;

Có 4 buổi thi trong 2 ngày, mỗi buổi thi 1 bài thi.

Mỗi thí sinh phải thi cả 4 bài thi nói trên.

Hồng Hạnh