3 ý kiến của một sinh viên

Những điều GS Hoàng Tụy viết về việc cải cách giáo dục ĐH vẫn còn ở tầm cao so với nhận thức của một sinh viên năm hai như tôi. Nhưng nhân một “cuộc cách mạng” của ngành giáo dục, tôi - với tư cách là một sinh viên – xin có vài ý kiến.

Thứ nhất, chương trình ĐH và chương trình ở bậc phổ thông hiện nay chưa có một sự chuyển tiếp hợp lý. Tôi thấy những điều GS Hoàng Tụy viết ở tầm vĩ mô đến mức không hề đề cập đến việc phải thay đổi chương trình cho phù hợp! Khi học cấp III, tôi đã từng là một học sinh xuất sắc, nhưng khi vào năm nhất ĐH, tôi và rất nhiều bạn sinh viên cùng lớp (dù tất cả đều đỗ cao trong kỳ tuyển sinh ĐH) đều cảm thấy hụt hẫng, dẫn đến rất hoang mang.

 

Chúng tôi giống như đang tham gia thi nhảy sào nhưng chỉ được chạy đà vài bước mà thôi. Ai có sức bật lớn sẽ qua dễ dàng, ai không có thì đành phải... chui qua. Còn những ai thường thường bậc trung, cố gắng thì sẽ qua được nhưng thể nào cũng u đầu sứt trán. Lẽ nào thi ĐH rồi chúng tôi lại phải qua một kỳ sát hạch nữa sao? Vậy đâu là lý do?

 

Có thể giải thích rằng chương trình phổ thông đã tạo cho học sinh cái lối tư duy quá thụ động, không hợp với ĐH. Trong khi thầy cô ở ĐH lại không nắm rõ ở phổ thông học sinh được học những gì nên cứ “vô tình” bắt chúng tôi thích nghi trong một thời gian ngắn, dẫn đến tình trạng “sốc nhiệt”. Quan trọng hơn, một số môn năm thứ nhất lại chẳng ăn nhập gì với những điều chúng tôi được học trước đó.

 

Học mà cứ có cảm giác mình đọc một bài làm văn không có mở bài, sượng ngắt và khó hiểu vô cùng. Nhất là môn triết học Mác - Lênin, kinh tế chính trị... không hề có chút liên quan đến môn giáo dục công dân hay sử học của cấp III, ngoài hai khái niệm “duy vật và duy tâm”. Nói vậy, không có nghĩa là tôi đề nghị dạy triết từ cấp III, chết, tội tụi nhỏ! Theo tôi, nếu có cải cách, chỉ mong các thầy cô cải cách giáo trình đi từ “rất cơ bản” (cùng với cách thể hiện sinh động hơn) rồi hãy đến những kiến thức cần thiết khác.

 

Trong khi đó, lại có những môn gần 1/3 giáo trình là học lại kiến thức cấp III (như lý...). Đặc biệt là môn ngoại ngữ. Đành rằng trình độ ngoại ngữ học sinh các vùng miền là khác nhau (vì điều kiện khách quan), nhưng cứ chơi trò “cào bằng” bằng cách dạy lại “thì hiện tại đơn” thì chúng ta sẽ đào tạo được gì? Vì thế, theo tôi, cách làm của Trường ĐH Bách khoa ở năm học vừa rồi là rất tích cực và cần được nhân rộng: tổ chức một cuộc thi kiểm tra trình độ ngoại ngữ đầu vào cho các sinh viên vừa trúng tuyển, những sinh viên đạt yêu cầu sẽ được miễn học môn Anh văn 1 với số điểm qui đổi tương ứng.

 

Thứ hai, theo như bài viết của GS Hoàng Tụy, GS rất quan tâm đến vai trò của người thầy trong giáo dục ĐH, đặc biệt là việc đánh giá và sử dụng các GS, TS. Điều này hiển nhiên rất đúng, tôi chỉ có ý kiến: người thầy ở ĐH nên và chỉ cần đứng ở vị trí của một người hướng dẫn. Nhưng đã là người hướng dẫn thì phải nắm rõ thực tế tình hình của sinh viên. GS có viết “trả lại cho các ĐH quyền tuyển chọn GS, PGS theo nhu cầu”.

 

Có thể tôi chưa hiểu hết ý GS nhưng tôi xin đưa ra một nhận xét: các GS, PGS, TS ở các ĐH hiện nay đều có giờ giảng dạy trên lớp bình thường như các giảng viên khác, nhưng không phải bất cứ thầy nào có học vị TS hay học hàm GS đều phù hợp với vị trí của mình, nghĩa là không phải ai cũng có nhiều sinh viên theo học, nếu không muốn nói là ngược lại! Với học chế tín chỉ như của Trường ĐH Bách khoa, tình trạng SV bỏ giờ thầy này để theo học thầy khác là rất phổ biến. Và có thể nhận thấy rằng các thầy có nhiều SV theo học đa phần đều không có học hàm nào cả. Nói theo kiểu SV chúng tôi: các GS nói chuyện cao quá, SV không theo nổi.

 

Đó là nhận xét, còn ý kiến của riêng tôi: đa phần các GS giảng dạy ĐH kiến thức rất uyên thâm nhưng cách đề cập vấn đề của các GS còn quá cao so với mặt bằng chung của SV. Đúng ra, các GS rất thích hợp với việc nghiên cứu công trình mới. Trong khi giáo dục ĐH ở Việt Nam lại chưa tạo điều kiện cho SV nghiên cứu nhiều như các nước bạn. Điều này đã hết sức tiêu phí tài năng của các GS cũng như cơ hội cho SV theo học hỏi các bậc trưởng thượng. Nên chăng chúng ta phải đổi mới (hoàn toàn) từ cách thức đặt vấn đề (cách học, cách dạy) chứ không phải cách thức giải quyết vấn đề (cách xử lý, đánh giá danh hiệu...).

 

Thứ ba, lại nói về chuyện người thầy. Hiện nay, các trường đều có chủ trương trẻ hóa đội ngũ giảng dạy. Nhưng sau khi được giữ lại trường, các giảng viên trẻ đều chưa được trọng dụng và tận dụng đúng mức. Như tôi nhận thấy, các anh chị ấy rất xuất sắc nhưng phần lớn thời gian đều phải làm việc văn phòng, gác thi, chấm bài... quá là lãng phí cho những con tim đang cháy bỏng khát khao được làm đúng phần việc của mình. Tuy nhiên, có những anh chị được lên làm trợ giảng thì lại không được đào tạo một chút gì về chuyên môn sư phạm, dù kiến thức rất vững. Có những trợ giảng lên đứng run lập cập rồi cắm cúi giải bài, vừa giải vừa nói như “tự nhủ với chính mình”.

 

Một khi đã nhận các sinh viên ra trường theo phụ giảng cho mình, mong các thầy cô giảng viên chính hãy đầu tư nhiều hơn, truyền kinh nghiệm nhiều hơn cho các anh chị ấy. Tôi tự hỏi liệu các thầy cô có thể nhín chút thời gian duyệt giáo án (?) cho các trợ giảng, hay lâu lâu ghé vào lớp dự giờ để xem các trợ giảng “làm ăn” thế nào! Đừng để chính các trợ giảng có cảm giác mình bị “đem con bỏ chợ”. Các hình thức giải quyết tôi vừa nêu ra nghe thật trẻ con, nhưng càng trẻ con thì càng dễ làm, và tất cả cũng chỉ để chúng ta có những con người chất lượng hơn mà thôi.

 

Ba ý kiến từ góc nhìn của một sinh viên, không hi vọng to tát rằng nó sẽ gióng lên một hồi chuông gì cả, chỉ mong các thầy cô, những người có tâm huyết với giáo dục ĐH hãy nhín chút thời gian để nhìn nhận lại vấn đề với tư cách người - trong - cuộc!

 

Trần Phạm Lê Phan

(Sinh viên năm 2 chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp, ĐH Bách khoa TPHCM)

Tuổi Trẻ