4 kết luận của Thủ tướng từ phiên họp hội đồng Giáo dục

Đó là: Thống nhất phương án phân 3 ban ở trung học phổ thông; Hoàn thiện và thẩm định chương trình học, SGK phổ thông; Tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm xã hội của các trường đại học và Xúc tiến sớm xây dựng đề án Đại học đẳng cấp quốc tế.

Ngày 16/1, Văn phòng Chính phủ đã ra thông báo ý kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Hội đồng quốc gia Giáo dục về các vấn đề tại phiên họp của Hội đồng.

 

Theo đó, cần xúc tiến sớm đề án Xây dựng đại học đẳng cấp quốc tế, tranh thủ kinh nghiệm và sự giúp đỡ của các trường đại học, các học giả từ Mỹ và một số nước khác.

 

Thủ tướng sẽ thành lập tổ công tác xây dựng đề án gồm một số lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và các chuyên gia giáo dục, do ông Trần Xuân Giá, trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng, Ủy viên Hội đồng quốc gia Giáo dục làm tổ trưởng.

 

"Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, thành công về phát triển kinh tế, xã hội đều bắt nguồn từ giáo dục. Việc xây dựng một số trường đại học với những chuyên ngành mũi nhọn ở đẳng cấp quốc tế, sẽ phát huy tinh thần hiếu học và thúc đẩy tiến trình đổi mới và nâng dần trình độ giáo dục đại học Việt Nam".

 

Ý kiến chỉ đạo cũng nhấn mạnh, trong giai đoạn mới, hệ thống giáo dục đại học phải đổi mới mạnh mẽ, nâng cao chất lượng. Trên tinh thần này, nhà nước chủ trương tăng cường tính tự chủ cho các trường đại học.

 

Thủ tướng đề nghị Bộ GD-ĐT cần tổ chức xây dựng đề án chi tiết với lộ trình rõ ràng, có tham khảo các nước. Cần nghiên cứu rõ hơn một số nội dung cơ bản và mức độ quyền tự chủ các trường đại học, về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tài chính, tổ chức bộ máy, tuyển chọn nhân sự, đề bạt cán bộ và quan hệ quốc tế.

 

Từ hai phương án phân ban giáo dục, đã thống nhất về nguyên tắc chọn phương án phân thành 3 ban ở trung học phổ thông: ban KH Tự nhiên (có các môn nâng cao: Toán, Lý, Hoá, Sinh), ban KH Xã hội và Nhân văn (Văn, Sử, Địa, Ngoại ngữ) và ban Cơ bản (có thể tự chọn các môn nâng cao).

 

Việc phân ban cần được điều chỉnh theo hướng học sinh cả nước phải được học một chương trình chuẩn thống nhất, đồng thời từng bước phát triển việc dạy và học các môn nâng cao, nhằm phân hoá, hướng nghiệp và nâng dần trình độ chung của giáo dục phổ thông.

 

Bộ GD-ĐT cần nhanh chóng hoàn thiện phương án và tranh thủ được sự ủng hộ của xã hội trước khi triển khai.

 

Về việc hoàn thiện và thẩm định chương trình, SGK phổ thông, cần theo hướng giảm nhẹ tính hàn lâm, đảm bảo chuẩn kiến thức, nhưng gắn hơn với thực tiễn cuộc sống.

 

Một điều nhấn mạnh là cần chú trọng việc hướng nghiệp của giáo dục phổ thông, phù hợp với yêu cầu của đất nước và các vùng miền, nâng cao hơn hiệu quả học ngoại ngữ để phù hợp xu thế. Vấn đề quan tâm tới giáo dục đạo đức con người cũng được đặc biệt quan tâm.

 

Thủ tướng chỉ đạo, chương trình giáo dục phổ thông là một văn bản có tính pháp lý cao, được sử dụng ổn định, lâu dài, do đó cần chuẩn bị nghiêm túc và cẩn trọng.

 

Theo Hoàng Lê 

Vietnamnet