5 điều kiện để các trường được giao quyền tự chủ

(Dân trí) - Theo tin từ Bộ GD-ĐT, bắt đầu từ năm 2007, cùng với việc <a href="http://www12.dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2007/1/161223.vip">“xốc” lại quản lý tài chính</a> của các trường ĐH thì Bộ GD-ĐT cũng sẽ công bố công khai các điều kiện để các trường ĐH được giao quyền tự chủ.

“Tự chủ hoá” cho các trường ĐH sẽ trở thành một làn sóng trong thời gian tới. Bộ GD- ĐT tuyệt nhiên không cố “kìm hãm” quyền này của các trường. Tuy nhiên, tự chủ phải trên tinh thần làm sao đảm bảo được chất lượng và quyền lợi của người học. 5 điều kiện để các trường ĐH được giao quyền tự chủ “ra đời”cũng chính vì mục đích này. Một lãnh đạo của Bộ GD-ĐT đã cho biết như vậy. 

5 điều kiện đó là: 

1. Các trường ĐH phải có nghĩa vụ thực hiện các nội dung đảm bảo chất lượng đào tạo theo tiêu chí chất lượng; kiểm định chất lượng do một cơ quan độc lập thực hiện. Cơ quan kiểm định chất lượng này có thể do Bộ GD-ĐT thành lập hoặc thuê của nước ngoài. 

2. Phải kiểm toán theo quy định và công bố kết quả theo định kỳ. 

3. Khi công bố mức học phí phải thông báo kèm theo cam kết về chất lượng đào tạo. 

4. Xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở chương trình khung do Bộ GD- ĐT ban hành.

 

5. Phát triển phải phù hợp với quy hoạch mạng lưới các trường ĐH.

 

Quyền tự chủ mà các trường được hưởng là tự chủ trong việc cấp bằng tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ; tự quyết định số lượng tuyển sinh theo tiêu chí chất lượng đào tạo của Bộ; tự tổ chức tuyển sinh dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT; tự bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư theo nhu cầu.

 

Từ năm học 2007-2008, các ĐH tự thiết kế và in bằng, cấp bằng tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ và tiến sĩ, sau khi mẫu đã được Bộ duyệt theo các tiêu chí công bố trước.

 

Tuy nhiên, sự tự chủ này vẫn phải nằm trong khuôn khổ. Căn cứ vào cơ sở tiêu chí về chất lượng ĐH, Bộ sẽ công bố nguyên tắc xác định chỉ tiêu tuyển sinh tối đa của các trường để trường tự quyết định số SV tuyển mới nằm trong giới hạn cho phép.

 

Bộ GD-ĐT sẽ hoàn thành việc xây dựng các chương trình khung cho tất cả các ngành đào tạo và định kỳ xem xét, cập nhật các chương trình khung làm cơ sở cho việc quản lý chất lượng đào tạo bậc ĐH trong cả nước (khoảng 50% nội dung của chương trình khung các ngành học do Bộ quy định).

 

P.V