5 lo sợ khi giảm tải trích đoạn Truyện Kiều vì “trọng nam khinh nữ”

(Dân trí) - "Nhiều giáo viên văn chúng tôi sợ hãi, nếu phương án giải quyết vấn đề bình đẳng giới là loại bỏ các đoạn, thậm chí các tác phẩm có "lý lịch" bị cho là không ổn về giới, một ngày nào đó, không nhẽ các kiệt tác của Nguyễn Du hay Hồ Xuân Hương, các tác phẩm văn học ưu tú khác sẽ dần vắng bóng trong SGK? Xin hãy để văn chương cứ là văn chương với những đặc trưng muôn đời của nó”.

Trên đây là quan điểm của TS Văn học Trịnh Thu Tuyết (nguyên giáo viên Ngữ văn, Trường THPT chuyên Chu Văn An, Hà Nội) về chủ trương giảm tải, loại bỏ những nội dung, hình ảnh có định kiến giới trong chương trình SGK phổ thông hiện hành.

Không nên thống kê thuần túy định lượng

Trong một hội thảo mới đây do Bộ GD&ĐT phối hợp tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng, sách giáo khoa (SGK) dành cho bậc học phổ thông hiện hành còn nhiều yếu tố mang bóng dáng tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”.

Cụ thể, SGK Ngữ văn phổ thông hiện hành đang có sự mất cân bằng giới (thể hiện ở độ chênh về giới của các tác giả/nhân vật). Có nhiều yếu tố dẫn đến định kiến về giới (biểu hiện: nhân vật nam/nữ có sự phân biệt về hình ảnh, về nghề nghiệp, về vị trí trong xã hội, thể hiện tư tưởng trọng nam khinh nữ).

Từ kết quả thống kê đó, ý kiến các chuyên gia đề xuất giảm tải, loại bỏ những nội dung, hình ảnh có định kiến giới nhằm góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.

Nhân đây, tôi xin bày tỏ vài suy nghĩ về vấn đề trên với tất cả sự ngạc nhiên, bối rối.

Trích đoạn Truyện Kiều trong SGK Văn học lớp 10
Trích đoạn Truyện Kiều trong SGK Văn học lớp 10

Thứ nhất, khi đưa ra bất kì một quan điểm nào, không nên chỉ dừng ở công việc thống kê cơ học mang tính định lượng mà cần xuất phát từ bản chất vấn đề, nhất là với giáo dục, nhất là với môn văn, càng cần bắt đầu từ cơ sở lý luận, đặc trưng bộ môn, thực tiễn xã hội...

Tư tưởng xuất phát đơn thuần từ những con số khiến việc nghiên cứu văn học, việc dạy và học văn có nguy cơ quay trở lại khuynh hướng "xã hội học dung tục" một thời (có một thời chưa hề xa vắng, người ta cắt nghĩa Truyện Kiều từ việc lý giải thành phần giai cấp của nhà họ Vương; người ta tranh cãi khuôn mặt trong câu thơ " Lá trúc che ngang mặt chữ điền" của Hàn Mặc Tử là đàn ông hay đàn bà; người ta gán tên cô Kiều nào đó ở phố Hàng Ngang để cảm nhận câu thơ " Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm" của Quang Dũng...).

Thứ hai, dù tác phẩm văn học là đích đến để khám phá các giá trị nội dung, nghệ thuật như cả ngàn năm nay, hay tác phẩm chỉ là phương tiện rèn luyện năng lực, giáo dục phẩm chất theo định hướng của mục tiêu giáo dục đặt ra trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới nhất hiện nay, chương trình SGK Ngữ văn phổ thông vẫn phải phản ánh chân thực những giai đoạn văn học của dân tộc cùng một số tác phẩm văn học tiêu biểu của nước ngoài (dù phân phối chương trình có thể không theo trục tuyến tính của văn học sử!).

Văn học phản ánh hiện thực

Thứ 3, bài học nhập môn với người học văn là vấn đề: văn học phản ánh hiện thực - tác phẩm văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan. Theo đó, bức tranh hiện thực của cuộc sống xã hội sẽ được quan sát, phản ánh, lý giải, định giá...theo lăng kính riêng của chủ thể nhà văn với tài năng nghệ thuật, với tư tưởng, tình cảm, trí tuệ...

Xã hội Việt Nam trải qua ngàn năm Bắc thuộc, ngàn năm trong chế độ phong kiến, trăm năm thực dân nửa phong kiến, từ 1945 tới nay, dấu ấn của những ngàn năm, trăm năm ấy vẫn khi nhạt khi đậm - trong đó có vấn đề giới. Và thực tế ấy đã được phản ánh chân thực trong các tác phẩm văn học. Đó là bình diện thứ nhất về "thế giới khách quan". Bình diện thứ hai là "lăng kính chủ quan" của nhà văn.

Theo thống kê của đại diện Bộ GD&ĐT, các tác phẩm hoặc "đề cao chí làm trai trong thời loạn, đối lập với thói nữ nhi thường tình", hoặc đề cập đến thân phận người phụ nữ đau khổ, bất hạnh, đáng thương! Thực chất vấn đề này, một mặt phản ánh chân thực gương mặt hiện thực xã hội một thời (điều học sinh cần biết và hiểu), một mặt, thể hiện thái độ lên án với tư tưởng trọng nam khinh nữ khi ca ngợi hoặc xót thương cho số phận người phụ nữ (các tác phẩm của Nguyễn Dữ, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương, và sau này là Nam Cao, Tô Hoài, Kim Lân, Nguyễn Minh Châu...).

Một đoạn trích thể hiện tư tưởng trọng nam khinh nữ của Truyện Kiều trong SGK Văn học lớp 10.
Một đoạn trích thể hiện tư tưởng "trọng nam khinh nữ" của Truyện Kiều trong SGK Văn học lớp 10.

Điều tối thiểu mà người đọc văn cần phân biệt là tính mục đích của phản ánh: văn học phản ánh tư tưởng trọng nam khinh nữ nhằm cổ động hay phê phán?

Và nếu sử dụng lại phép thống kê định lượng của đại diện Bộ GD&ĐT, nhân vật chính và chính diện được ngợi ca hoặc xót thương trong các tác phẩm văn học phổ thông hình như lại nghiêng nhiều về phái nữ: Truyện Kiều (Nguyễn Du), Người con gái Nam Xương (Nguyễn Dữ), Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn, Đoàn Thị Điểm), Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), Thương vợ (Trần Tế Xương), Vợ chồng A Phủ (Tô Hoài), Vợ nhặt ( Kim Lân), Chiếc thuyền ngoài xa (Nguyễn Minh Châu), Một người Hà Nội (Nguyễn Khải)...

Khi ca ngợi hay thương xót người phụ nữ, đó là cách các nhà văn thể hiện quan điểm mang tính chủ quan của mình, phê phán thực tế khách quan với hệ lụy năng nề của tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Điều này đã được minh chứng ngay trong mối quan hệ giữa các chức năng hướng tới Chân Thiện Mỹ của văn học với thực tế sáng tác văn học: các tác phẩm có thể phản ánh/lên án cái xấu cái ác để từ đó cổ vũ cho cái thiện, cái đẹp.

Thứ tư, tác phẩm văn học là hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan, khi được tuyển chọn đưa vào chương trình sách giáo khoa phổ thông, lại được lọc lần thứ hai qua lăng kính tiếp nhận, nghiên cứu, đánh giá của chủ quan thày và trò. Khi chạm tới những câu thơ thể hiện khí phách cao ngạo của Từ Hải:" Từ rằng:"Tâm phúc trương tri / Sao chưa thoát khỏi nữ nhi thường tình?", giáo viên văn sẽ có cơ hội đề cập nhẹ nhàng vấn đề giới trong xã hội phong kiến và vẫn không làm suy giảm chí khí anh hùng của họ Từ.

Những vấn đề có thực của hiện thực xã hội, dù không đề cập tới (lần thứ nhất: trong văn chương, lần thứ hai: trong nhà trường), liệu nó có vì thế mà biến mất?

Điều chúng ta phải làm là đối diện với cái thực tế đã được điển hình hoá qua những hình tượng nghệ thuật, tổ chức, hướng dẫn cho học sinh biết cách quan sát, lý giải, đánh giá nó như thế nào.

Tư tưởng bình đẳng, bình quyền sẽ dần được khẳng định khi trò xúc động trước vẻ đẹp hay nỗi đau của người phụ nữ - nạn nhân của tư tưởng trọng nam khinh nữ.

Cuối cùng, điều khiến giáo viên văn chúng tôi sợ hãi hơn cả, nếu phương án giải quyết vấn đề bình đẳng giới là loại bỏ các đoạn, thậm chí các tác phẩm có "lý lịch" bị cho là không ổn về giới, thì một ngày nào đó, không nhẽ các kiệt tác của Nguyễn Du hay Hồ Xuân Hương, các tác phẩm văn học ưu tú khác sẽ dần vắng bóng trong SGK? Và thầy trò chúng tôi sẽ dạy và học các trích đoạn văn kiện về chủ đề bình đẳng giới do Hội phụ nữ phát hành?

Xin hãy để văn chương cứ là văn chương với những đặc trưng muôn đời của nó!

Trịnh Thu Tuyết