5 năm, Hội Khuyến học TT-Huế vận động hơn 70 tỷ đồng

(Dân trí) - Ngày 27/5 tại TP Huế đã diễn ra Đại hội Đại biểu Hội khuyến học tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ III (2014-2019). Đến dự có ông Nguyễn Mạnh Cầm, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam.

Đến cuối năm 2013, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã có 1.735 chi hội khuyến học, gồm 966 chi hội làng, thôn, bản; 404 chi hội trường học, 129 chi hội cơ quan. Số Ban khuyến học có 733, trong đó 442 ban khuyến học dòng họ, 39 ban khuyến học đồng hương, đồng môn. Số hội viên gần 83.000 người, xấp xỉ 7,4% dân số toàn tỉnh, tăng hơn 2,5% hơn 22.000 người so với đầu nhiệm kỳ.

Đại hội Đại biểu Hội khuyến học tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ III (2014-2019)
Đại hội Đại biểu Hội khuyến học tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ III (2014-2019).

Cuộc vận động xây dựng Gia đình hiếu học, Dòng học và đơn vị khuyến học có bước phát triển mới cả chiều rộng lẫn chiều sâu, thu hút đông đảo các tầng lớp dân cư tham gia. Các cấp hội đã góp phần giảm đến mức thấp nhất tình trạng học sinh bỏ học, nhất là ở cấp tiểu học và đầu cấp THCS và hạn chế số lượng học sinh lưu ban.

Việc xây dựng quỹ khuyến học - khuyến tài được thực hiện với nhiều hình thức khá phong phú như: vận động nhân dân đóng góp tự nguyện với mức từ 500 đồng/người /tháng như ở huyện Nam Đông, hoặc 10.000 đồng/người/năm ở Hương Trà hoặc vận động công nhân viên chức đóng góp 1/2 đến 1 ngày lương/năm như ở Quảng Điền, A Lưới.

Bước đầu xuất hiện phong trào trồng cây khuyến học, phong trào “Nuôi heo đất khuyến học”. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh có đóng góp thường xuyên cho hội như Công ty Xây lắp TT-Huế, Công ty Sợi dệt Huế, Công ty TNHH NN MTV Xây dựng và Cấp nước TT-Huế, Công ty Phát triển thủy sản TT-Huế, Công ty Cổ phần Điện tử Huế… Và có những nhà tài trợ lớn trong nhiều năm như của Tập đoàn Vingroup (Hà Nội), Công ty Cổ phần Thương mại - Dịch vụ và Xây dựng Địa ốc Kim Oanh (Bình Dương) mỗi năm đóng góp hơn 500 triệu đồng. Các ngân hàng Á Châu, Bắc Á, Đầu tư Phát triển Việt Nam đã tài trợ một số lần với mức từ 50-300 triệu đồng. Riêng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đầu tư nâng cấp và xây dựng 2 trường trị giá 6,2 tỷ đồng…

Đại hội Đại biểu Hội khuyến học tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ III (2014-2019)

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm (giữa) tặng thưởng cho tập thể xuất sắc công tác khuyến học ở Huế.

Ngoài các khoản tài trợ bằng công trình và trang thiết bị, số tiền vận động của các cấp hội trong tỉnh đạt bình quân hơn 10 tỷ đồng/năm, trong đó riêng năm 2013 đạt trên 13 tỷ. Tổng cộng 5 năm từ 2008-2013 đạt gần 55 tỷ, nếu tính cả hỗ trợ về cơ sở vật chất thì số tiền tới hơn 70 tỷ đồng, là khoản đóng góp hết sức thiết thực đối với một tỉnh nghèo như Thừa Thiên Huế.

Trong nhiệm kỳ 2014-2019, Hội Khuyến học tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ đề ra 7 mục tiêu, quan trọng như đảm bảo 100% các huyện, thành, thị hội , chi hội và ban khuyến học các xã, phường, thị trấn chọn được người đứng đầu, bộ phận thường trực có năng lực, nhiệt huyết; Phối hợp ngành giáo dục triển khai có kết quả phong trào “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “chống lưu ban, bỏ học và ngăn chặn tệ nạn xã hội xâm nhập vào trường học”, quan tâm các gia đình khó khăn và vận động học sinh bỏ học quay trở lại trường.

Ra mắt Ban chấp hành mới Hội Khuyến học tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2014-2019
Ra mắt Ban chấp hành mới Hội Khuyến học tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2014-2019.

Ngoài ra, cần quan tâm vận động hỗ trợ xây dựng hệ thống nước sạch, công trình vệ sinh, tường rào, thư viện và gắn với phong trào trồng cây khuyến học trong và ngoài trường học. Quỹ khuyến học các cấp phải dành một tỷ lệ thỏa đáng để khuyến khích việc học nghề và bồi dưỡng các tài năng trẻ, HS-SV vùng đầm phá và đồng bào các dân tộc. Nơi có nguồn quỹ khá nên dành một phần để thúc đẩy việc học của người lớn tuổi tại các trung tâm học tập cộng đồng…

Phát biểu chỉ đạo đại hội, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm đã rất khen ngợi phong trào, hình thức làm khuyến học ở tỉnh Thừa Thiên - Huế, và mong muốn công tác ở địa phương này sẽ ngày càng phát triển. “Không học thì đất nước không phát triển được. Làm thế nào để con người cống hiến suốt đời? Việc học tập suốt đời là điều rất quý, rất cần thiết. Một quốc gia phát triển, cần thiết nhất là dân trí - nhân lực và nhân tài” - Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam bày tỏ.

Ra mắt Ban chấp hành mới Hội Khuyến học tỉnh Thừa Thiên Huế nhiệm kỳ 2014-2019

Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm nêu bật ý kiến dân trí - nhân lực - nhân tài là nguồn lực cần thiết cho sự phát triển của đất nước

Kết thúc Đại hội Đại biểu Hội Khuyến học tỉnh Thừa Thiên Huế, đã bầu ra Ban chấp hành mới nhiệm kỳ III (2014-2019) gồm: Ông Nguyễn Văn Mễ - Chủ tịch, ông Đặng Phước Mỹ (phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Thừa Thiên - Huế) và Nguyễn Hữu Lễ - Phó Chủ tịch, 2 ủy viên thường vụ là ông Nguyễn Đình Ngộ, Hiệu trưởng ĐH Phú Xuân Huế và ông Lê Quang Vinh - phó Chủ tịch HĐND TP Huế.

Đại Dương - Hoàng Diệu