5 tháng “nói không”: Lo nhiều, mừng ít!

(Dân trí) - Trong ba ngày, từ 10 đến 12/1, tại 8 địa phương đã diễn ra Hội nghị giao ban giữa Bộ GD-ĐT với tất cả các cơ sở giáo dục trên toàn quốc về tình hình triển khai 5 tháng “Nói không với tiêu cực”. Kết quả thu được trong cả 8 hội nghị này đều khiến ngành giáo dục “lo nhiều mừng ít”.

Vượt “đèn đỏ” bừa bãi

 

Đó là tinh thần của các cơ sở giáo dục đào tạo khi nhận định về tình hình tiêu cực đang tồn tại trong ngành giáo dục. Tuy đã nhận diện ra được sự nguy hiểm của tiêu cực nhưng khi lý giải về sự tồn tại của nó cùng các giải pháp phòng chống chỉ được các đại biểu đưa bàn thảo mơ hồ và khá hời hợt.

 

Đối với bậc ĐH, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã “kết” lại được hình thức tiêu cực tồn tại nhức nhối nhất là “đi chùa thầy”. Về vấn nạn này, ông đã thẳng thắn đặt vấn đề: “Trước mỗi kỳ thi, sinh viên lại lập danh sách, đóng tiền và cử đại diện đến thăm thầy. Có phải thầy cô chúng ta nghèo đến nỗi phải nhận tiền như thế không?” Câu hỏi này của Bộ trưởng đã không nhận được lời giải đáp của các trường vì hầu hết các trường đều thấy trả lời được là… khó quá!

 

Nhiều lãnh đạo của các trường ĐH đều có chung một kết luận rằng: Khi nào còn thi cử sẽ còn tiêu cực. Đối với một số trường, tiêu cực “thăm thầy” tập trung ở “cụm” sinh viên lớn tuổi thuộc các hệ chuyên tu, văn bằng hai, vừa học vừa  làm… Đối với một số trường khác, tiêu cực “thăm thầy” dàn trải trong tất cả các hệ đào tạo.

 

Khi nói về các giải pháp chống lại hiện tượng này, lãnh đạo các trường đều rất hăng hái, nhưng lại là sự hăng hái để “bẻ” câu chuyện sang một hướng khác như chất vấn lại Bộ rằng, tiêu cực còn nằm ở nhiều mảng khác như tiêu cực nằm ngay trong lòng Bộ, bởi các thủ tục hành chính rườm rà, hành hạ các trường và tiêu cực ở cấp đó còn nguy hiểm hơn nhiều khi nó như những tảng băng chìm!

 

Thậm chí, câu chuyện này còn bị lạc sang chủ đề “thành tích” khi lãnh đạo của trường ĐH Thuỷ lợi đã làm cả Hội trường ồ lên không phải vì chuyện chống tiêu cực mà vì trường ĐH Thuỷ lợi có mức lương dành cho giáo viên cao quá và mỗi giáo viên còn được trường trang bị cho cả một chiếc máy tính xách tay xịn! Còn lãnh đạo trường ĐH Xây dựng chỉ nói đúng chủ đề chỉ trong một vài câu đầu, phần trình bày phía sau hoàn toàn theo hướng than về cơ sở cật chất của trường.

 

Và vì vậy, không hiểu phần kết luận chỉ đạo của Bộ trưởng rằng năm 2007, các trường sẽ tập trung vào việc chấm dứt tình trạng sinh viên, học sinh lập danh sách, đóng tiền đến nhà thầy trước và sau khi thi không biết có được các trường lưu tâm không?

 

Cần có một niềm tin

 

Xuyên suốt các cuộc giao ban, người đi đúng “chủ đề” luôn luôn chỉ là các lãnh đạo Bộ và kèm theo rải rác là ý kiến thực sự tâm huyết của một số đại biểu khi họ đưa ra được các ý tưởng như “nói không với tiêu cực trong thi cử” cần có sự hợp tác giữa trò và thầy.

 

Không phải sinh viên nào cũng có hiện tượng tiêu cực và nhà trường phải tạo niềm tin để sinh viên hợp tác trong công tác này. Có thể ban đầu sinh viên e dè không biết các thầy có tiếp nhận ý kiến không, hay sẽ bị trù dập? Nhưng lãnh đạo nhà trường phải có cách để sinh viên tin mình…

 

Ông Ngô Hưởng - Phó Hiệu trưởng ĐH Ngân hàng TPHCM bầy cách: “Nhiều năm qua trường thường xuyên tổ chức Hội thảo “Tâm đức người thầy”, là diễn đàn để thầy trò bộc bạch hết tâm tư nguyện vọng của mình, để gần nhau hơn… Thầy và trò tin nhau hơn, nên cũng góp phần “tẩy chay” tiêu cực hơn”.

 

Còn TS Lê Tuệ - Hiệu trưởng trường ĐH DL KTCN TPHCM hiến kế: “Để thực hiện thành công phong trào “Hai không”, yếu tố quan trọng là con người là  đội ngũ cán bộ quản lý. Nếu hiệu trưởng không trung thực, dối trên lừa dưới có dấu hiệu tham nhũng, gian lận thì không quản lý ai được. hô hào chống tiêu cực thì người lãnh đạo phải noi gương đầu tàu”.

 

Mặt khác, việc thanh tra, kiểm tra là cần thiết, nhưng cũng phải xem lại quy chế, cách tổ chức thi để giảm áp lực thi cử. “Chẳng hạn như nên chia mỗi môn học làm 2 - 3 phần, sau mỗi phần có kiểm tra, đánh giá chất lượng, mở rộng trắc nghiệm để hạn chế quay cóp và đánh giá được kiến thức toàn diện của sinh viên” - lãnh đạo trường ĐH Đà Nẵng bày tỏ.

 

Hiệu trưởng Trường ĐH Quy Nhơn Trần Tín Kiệt thì đưa ra giải pháp: “Nếu tập trung đầu tư cho giáo dục phổ thông ngay từ bậc tiểu học thì “mầm” tiêu cực sẽ không có đất sống và tuyển sinh ĐH không phải lo chống tiêu cực”. 

 

Phó Giám đốc Học viện Hải quân Phạm Duy Khiêm chỉ ra rằng: “Tiêu cực không chỉ xuất hiện đơn lẻ ở một số cá nhân, mà đã hình thành tổ chức, hệ thống. “Thành tích” là căn bệnh của xã hội. Vì vậy, cuộc vận động “hai không” gần giống như cuộc đấu tranh chống tham nhũng - rất gian khổ, lâu dài và “một mất, một còn”. Bộ cần vững vàng và có niềm tin để chỉ đạo một cách có hệ thống, không chỉ giải quyết tiêu cực qua những sự vụ thì sẽ đem lại hiệu quả nhất”.

 

Sau tất cả các cuộc bàn thảo, trăn trở của Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân luôn là: “Một cuộc vận động được mở ra như một nghĩa cử, như một việc thiện đem lại “hạnh phúc” cho toàn ngành giáo dục và cho cả xã hội thì không có lý do gì để nó không thành công”.

 

Mai Minh