5.100 HS tham gia chương trình đánh giá học sinh quốc tế

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành yêu cầu phối hợp chỉ đạo khảo sát chính thức chương trình đánh giá học sinh quốc tế 2012 (PISA) của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

PISA là chương trình đánh giá học sinh quốc tế do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) khởi xướng và chỉ đạo, nhằm tìm kiếm các chỉ số đánh giá hiệu quả và chất lượng của hệ thống giáo dục của mỗi nước tham gia, qua đó rút ra các bài học về chính sách đối với giáo dục phổ thông.

Theo đó, trong 3 ngày 12, 13 và 14/4, Việt Nam sẽ triển khai khảo sát chính thức PISA tại 162 trường thuộc 59 tỉnh, thành phố với khoảng 5.100 học sinh ở tuổi 15.

Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương yêu cầu các hiệu trưởng, giáo viên, học sinh đọc, tổ chức thảo luận về cách đánh giá của PISA, các dạng đề thi và phiếu hỏi để học sinh làm quen với cách hỏi thi và cách đánh giá của PISA. Đồng thời triển khai việc bồi dưỡng cho cán bộ quản lý, giáo viên cấp THCS, THPT tại địa phương đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá theo hướng PISA.

Theo lãnh đạo bộ, tham gia PISA là cơ hội để Việt Nam học tập, trao đổi kinh nghiệm đánh giá quốc tế, tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ đánh giá để có thể triển khai thực hiện tốt các kỳ đánh giá quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, nhằm đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời là bước chuẩn bị tích cực cho lộ trình đổi mới giáo dục sau năm 2015.

Từ tháng 3 năm 2010, Việt Nam đã chính thức tổ chức các hoạt động triển khai PISA. Sau hơn 1 năm chuẩn bị tích cực, tháng 5 năm 2011, Việt Nam đã tiến hành khảo sát thử nghiệm PISA tại 40 cơ sở giáo dục thuộc 9 tỉnh, thành phố: Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Bình, Thái Bình, Hưng Yên, Nam Định.

Hồng Hạnh