6 hạn chế, yếu kém chủ yếu của ngành giáo dục đào tạo

(Dân trí) - Trong thông điệp hỏi - đáp về một số nội dung đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, Bộ GD-ĐT đã thẳng thắn nêu ra 6 hạn chế, yếu kém chủ yếu của giáo dục và đào tạo nước nhà trong những năm vừa qua.

Cụ thể, chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhất là giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp.

Chương trình giáo dục còn coi nhẹ thực hành, vận dụng kiến thức; phương pháp giáo dục, kiểm tra, thi và đánh giá lạc hậu, thiếu thực chất; thiếu gắn kết giữa đào tạo với nghiên cứu khoa học, sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; chưa chú trọng đúng mức việc giáo dục đạo đức, lối sống và kĩ năng làm việc.

Hệ thống giáo dục thiếu tính liên thông giữa các trình độ đào tạo và các phương thức giáo dục, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế. Chưa gắn đào tạo với sử dụng và nhu cầu của thị trường lao động.

Quản lí giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém, là nguyên nhân của nhiều yếu kém khác, nhiều hiện tượng tiêu cực kéo dài trong giáo dục, gây bức xúc xã hội.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lí giáo dục còn nhiều bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Đầu tư cho giáo dục và đào tạo chưa hiệu quả. Chính sách, cơ chế tài chính cho giáo dục và đào tạo chưa phù hợp. Cơ sở vật chất kĩ thuật còn thiếu và lạc hậu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Theo Bộ GD-ĐT, nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém là do việc thể chế hoá các quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đào tạo, nhất là quan điểm "giáo dục là quốc sách hàng đầu" còn chậm và lúng túng. Việc xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, kế hoạch và chương trình phát triển giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu của xã hội.

Mục tiêu giáo dục toàn diện chưa được hiểu và thực hiện đúng. Bệnh hình thức, hư danh, chạy theo bằng cấp… chậm được khắc phục, có mặt nghiêm trọng hơn. Tư tưởng và thói quen bao cấp trong giáo dục còn nặng nề làm hạn chế khả năng huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho giáo dục, đào tạo.

Việc phân định giữa quản lí nhà nước với hoạt động quản trị trong các cơ sở giáo dục, đào tạo chưa rõ. Công tác quản lí chất lượng, thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được coi trọng đúng mức. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và gia đình chưa chặt chẽ.

Bên cạnh đó, nguồn lực quốc gia và khả năng của phần đông gia đình đầu tư cho giáo dục còn thấp so với yêu cầu. Mức chi cho mỗi người học chưa tương xứng với yêu cầu về chất lượng, chưa phù hợp ngành nghề và trình độ đào tạo.

Đổi mới căn bản, toàn diện không phải là làm lại từ đầu

Bộ GD-ĐT cho rằng, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, cấp thiết, từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, nội dung, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện bảo đảm thực hiện; đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lí của Nhà nước đến hoạt động quản trị của các cơ sở giáo dục, đào tạo và việc tham gia của gia đình, cộng đồng, xã hội và bản thân người học; đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học.

Đổi mới để tạo ra chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhu cầu học tập của nhân dân. Đổi mới phải bảo đảm tính hệ thống, có tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng và cấp học, các giải pháp đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp.

Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, đổi mới căn bản và toàn diện không có nghĩa là làm lại tất cả, từ đầu mà cần vừa kế thừa, củng cố, phát huy các thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của thế giới, vừa kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc; đổi mới có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình phù hợp với thực tế đất nước, địa phương. Những hạn chế, thách thức của giáo dục phải được nhận thức sâu sắc, có giải pháp hữu hiệu và lộ trình khắc phục, vượt qua để đưa sự nghiệp giáo dục lên tầm cao mới.

S.H