7 chỉ thị của Bộ trưởng GD-ĐT với các trường đại học

(Dân trí) - Cùng với kế hoạch tổ chức cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân đã đưa ra 7 chỉ thị nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong năm học 2006 - 2007.

1. Đổi mới, nội dung và phương pháp giảng dạy

Các trường ĐH, Học viện tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy, đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ; Tổ chức biên soạn, biên dịch và xuất bản giáo trình đủ cho tất cả các môn học; Thực hiện việc liên kết giữa các trường để khai thác nguồn tư liệu mở và các nguồn lư liệu khác để phục vụ giảng dạy, học tập và NCKH; Triển khai thí điểm đào tạo theo các chương trình tiên tiến đúng kế hoạch, đúng quy định.

Đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, với phương châm “dạy cách đọc, phát huy tính chủ động của người học”; Chấm dứt tình trạng “đọc - chép” trên giảng đường đại học ngay trong năm học này; Sử dụng các công nghệ thông tin - truyền thông và tận dụng các công cụ dạy học hiện đại trong quá trình dạy, học...

Yêu cầu các trường ĐH chuẩn bị các điều kiện để triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ. Đặc biệt chú trọng việc chấn chỉnh công tác tổ chức, quản lý đào tạo để nâng cao chất lượng tuyển chọn nghiên cứu sinh...

2. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục

Đây là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi để nâng cao chất lượng đào tạo một cách căn bản và toàn diện.

Ưu tiên tuyển chọn những người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, tốt nghiệp đại học loại xuất sắc hoặc giỏi để bổ sung cho đội ngũ giảng viên. Đổi mới quy trình và phương pháp tuyển dụng mang yếu tố cạnh tranh, đảm bảo khách quan, công bằng.

Phấn đấu đến năm 2010 đạt 100% giảng viên giảng dạy lý thuyết có trình độ thạc sĩ trở lên.

Xây dựng quy chế và quy trình đánh giá giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục để xem xét bổ nhiệm lại hoặc miễn nhiệm, tiếp tục hợp đồng làm việc dưới dạng có thời hạn và không xác định thời hạn hoặc chấm dứt hợp đồng làm việc.

Chú trọng đánh giá, phân loại giảng viên từ thông tin nhiều chiều.

3. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tổ chức khảo thí và kiểm định chất lượng

Theo đó, trong năm học này, mỗi trường ĐH,CĐ cần lập ngay kế hoạch tự đánh giá và đánh giá theo định kỳ như chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý, cơ sở vật chất...

4. Xây dựng cơ sở vật chất theo hướng chuẩn hoá, hiện đại

Phấn đấu năm 2010 có chỗ làm việc cho tất cả giảng viên trong trường; đảm bảo nghiêm

túc lịch trình năm học, xoá bỏ tình trạng đi thuê lớp học và hạn chế dần phải học buổi tối với các hệ và trình độ đào tạo...


5. Đảm bảo thực hiện các dự án có chất lượng, đúng tiến độ

Các trường tham gia dự án giáo dục ĐH I , hoàn thành và kết thúc dự án vào tháng 12/2006; Có kế hoạch chuẩn bị đội ngũ giảng viên tham gia Đề án 322 (Đào tạo cán bộ khoa học tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước) và các chương trình học bổng đào tạo tại nước ngoài khác.

6. Nâng cao chất lượng và nghiên cứu khoa học

Có kế hoạch và giải pháp để tăng thêm nguồn thu từ NCKH, chuyển giao công nghệ, sản xuất, dịch vụ tư vấn từ 2 – 3 %; các trường cùng với Bộ GD&ĐT xây dựng kế hoạch sử dụng 1% ngân sách nhà nước cho các trường ĐH; tăng cường hợp tác quốc tế và giáo dục đại học, tích cực trao đổi kinh nghiệm và học thuật.

7. Kiên quyết chống tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục ĐH

Tổ chức đối thoại định kỳ đối với sinh viên trong dạy và học; trong tháng 10/2006, Đoàn Thanh niên, Công đoàn tổ chức sinh hoạt, thảo luận trong sinh viên, giảng viên về chống tiêu cực trong thi cử và ra tuyên bố chung...

Minh Hạnh