7 giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đại học

(Dân trí) - Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo đối với giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT đã đưa ra 7 giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo như chuẩn hóa cơ cấu hệ thống, kiểm định chất lượng đào tạo, phát triển chương trình chất lượng cao…

Sinh viên trong lễ tốt nghiệp

Sinh viên trong lễ tốt nghiệp.

Dưới đây là 7 giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong thời gian tới mà Bộ GD-ĐT đưa ra tại Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học vừa tổ chức.

Thứ nhất: về việc chuẩn hóa hệ thống, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện từ tên gọi thống nhất của các cơ sở giáo dục đại học đến trình độ đào tạo phù hợp với khung năng lực tham chiếu Asean. Cụ thể, chuẩn hóa tên gọi các cơ sở giáo dục đại học bằng tiếng nước ngoài.Sắp xếp lại hệ thống giáo dục đào tạo và dạy nghề. Trước mắt, thống nhất trình độ trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề thành trung cấp nghề nghiệp và trình độ đào tạo này đã được đưa vào dự thảo Luật Giáo dục nghề nghiệp trình Quốc hội thông qua trong thời gian sắp tới.

Thực hiện Luật Giáo dục đại học, các cơ sở giáo dục đại học nước ta cần phân thành 3 nhóm: Trường ĐH theo định hướng nghiên cứu, trường ĐH theo định hướng ứng dụng và các trường cao đẳng thực hành nghề nghiệp) và thực hiện xếp hạng trong từng nhóm.

Thứ hai: Kiểm định chất lượng đào tạo bao gồm kiểm định chất lượng chương trình và kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học. Bộ GD&ĐT đã thành lập 2 Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục trực thuộc 2 ĐHQG.

Để kiểm định chất lượng của tất cả các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT cho biết cần thành lập thêm một số trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục phân bố ở các vùng miền trong cả nước.

Thứ ba: Đổi mới chương trình đào tạo, phát triển chương trình chất lượng cao. Trước hết, các trường được tự chủ trong xây dựng chương trình đào tạo, chủ động lựa trong lựa chọn hệ thống giáo trình phục vụ giảng dạy.Các trường có thể xây dựng chương trình chất lượng cao với mức thu học phí tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo với chất lượng tương ứng.

Thứ tư: Đổi mới công tác tuyển sinh

Thực hiện Luật Giáo dục đại học và Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh. Các trường phải gửi Đề án tự chủ tuyển sinh cho Bộ GD&ĐT trước ngày 30/9/2014 để thực hiện tự chủ tuyển sinh trong năm tới. Dự kiến từ năm 2015 trở đi, Bộ GD&ĐT sẽ tập trung tổ chức kỳ thi quốc gia nhằm 2 mục đích: Xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ.

Dự thảo đề án kỳ thi quốc gia đã được đưa ra lấy ý kiến dư luận rộng rãi. Trên cơ sở thống nhất ý kiến về kỳ thi quốc gia, Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường ĐH, CĐ cần xem việc tham gia tổ chức kỳ thi như là nhiệm vụ của mình để phối hợp với các Sở GD&ĐT thực hiện kỳ thi nghiêm túc.

Đồng thời, đề nghị các trường cũng cân nhắc, lựa chọn phương thức tuyển sinh vào các ngành nghề khác nhau của trường mình một cách phù hợp nhất để đảm bảo mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo.

Thứ năm: Củng cố hệ thống quản trị đại học. Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện phiên bản cuối cùng Điều lệ trường ĐH trên nền tảng của Luật GD ĐH và các quy định hiện hành.Luật GD ĐH quy định việc thành lập Hội đồng trường đối với các cơ sở GD ĐH công lập và đảm bảo quyền lực của Hội đồng này trong mọi hoạt động của nhà trường.

Đối với những cơ sở GD ĐH ngoài công lập, các quy định hiện hành phù hợp với điều kiện Việt Nam. Các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay tạo sự hài hòa giữa lợi ích của nhà đầu tư và mục tiêu giáo dục và đào tạo. Cơ sở giáo dục phi lợi nhuận theo đúng nghĩa là cơ sở giáo dục của xã hội tự sở hữu chính mình, không ai là chủ sở hữu. Vì vậy tất cả lợi nhuận có được sẽ được tái đầu tư để phát triển nhà trường.

Mô hình như vậy hiện nay khó hiện thực ở nước ta. Vì vậy Luật GD ĐH đã xác định trường đại học tư thục không vì lợi nhuận khi không chia lợi nhuận hay chia nhưng không quá mức lãi của trái phiếu chính phủ. Nhà đầu tư vẫn là chủ sở hữu của nhà trường. Khung pháp lý hiện nay đủ để các trường ngoài công lập hoạt động.

Việc bồi dưỡng kinh nghiệm quản trị đại học cũng cần được thực hiện thường xuyên và có hiệu quả. Quy hoạch bồi dưỡng cán bộ trẻ, năng động và cơ cấu dần vào các vị trí quản lý để thử thách.

Các trường cần xây dựng kế hoạch gửi cán bộ quản lý có năng lực đi học tập công tác quản lý các trường ĐH nước ngoài. Nên phân biệt rạch ròi mục đích của thực tập chuyên môn và học tập quản lý.

Thứ sáu: Đổi mới cơ chế tài chính, đầu tư tập trung, đồng bộ và hiệu quả. Nhân rộng mô hình tự chủ tài chính của các trường ĐH công lập để có thêm nguồn lực đầu tư nâng cao chất lượng đào tạo. Khuyến khích các trường công lập có đủ điều kiện đăng ký thực hiện tự chủ tài chính, tự chủ thu học phí.

Các cơ sở GD ĐH chấm dứt tình trạng xây dựng dự án đầu tư mà không nhằm mục tiêu rõ ràng, không nhắm đến hướng lâu dài. Dự án đầu tư cần nằm trong kế hoạch phát triển tổng thể của nhà trường trong trung hạn và dài hạn.

Đổi mới công tác tài chính để tạo động lực cho các trường cạnh tranh lành mạnh nâng cao hiệu quả đầu tư toàn hệ thống. Đầu tư trang thiết bị phải đi kèm với việc đào tạo cán bộ sử dụng, khai thác, bảo dưỡng. Chấm dứt tình trạng mua sắm trang thiết bị rồi mà không có người sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả, gây lãng phí nguồn lực đầu tư của Nhà nước.

Thứ bảy: Xây dựng mục tiêu chiến lược phát triển nhà trường. Mặc dù mục tiêu chiến lược phát triển các cơ sở GD ĐH đã được Bộ GD&ĐT yêu cầu công bố từ lâu nhưng một số trường cho đến nay vẫn chưa có bản kế hoạch hoàn chỉnh hoặc có nhưng chưa thể hiện được mục tiêu dài hạn cũng như kế hoạch phát triển trong từng giai đoạn.

Trên cơ sở Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT lần này, các trường cần có bản kế hoạch phát triển cụ thể.

Trong bản kế hoạch cần nêu rõ mục tiêu đào tạo, chất lượng đào tạo qua từng giai đoạn thể hiện rõ qua chuẩn đầu ra, quy mô sinh viên đi kèm với kế hoạch phát triển đội ngũ và CSVC tương ứng.

Hồng Hạnh