7 lý do để tôi chọn nghề giáo

(Dân trí) - Với tôi, bản thân sẽ “tệ” hơn rất nhiều nếu tôi không làm nghề giáo. Nếu hỏi vì sao tôi chọn nghề giáo, đơn giản chỉ vì 7 lý do sau:

1. Nghề cao quý

Công bằng mà nói, nghề nào cũng đáng quý, xã hội phân công mỗi người một việc. Nhưng nghề giáo thời nào cũng được xã hội tôn vinh, vì đó là nghề giáo dục và đào tạo con người thành người có tri thức, đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp.

Vì sao học sinh, phụ huynh kính trọng người thầy? Vì mục tiêu của người thầy là giáo dục học sinh nên người, trưởng thành, đó cũng là kỳ vọng của phụ huynh và học sinh. Mục tiêu của người thầy giáo, mục tiêu của xã hội và mục tiêu của phụ huynh, học sinh luôn thống nhất với nhau. Theo tôi, đây chính là lý do nghề giáo được xã hội coi trọng, tôn vinh.

Khó có thể nói cho cùng ý nghĩa nghề nghiệp của nghề giáo, nhưng sâu sắc hơn cả là nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vị trí của “thầy giáo tốt”: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”.

2. Sự đam mê

Theo tôi, nghề giáo không chỉ là nghề nghiệp, đó còn là sự đam mê. Mặt bằng thu nhập của nghề giáo không cao so với nhiều nghề khác nhưng nhiều người vẫn chọn nghề giáo. Nhiều thầy cô giáo có thể tìm việc làm khác có thu nhập khá hơn nhưng họ vẫn gắn bó với nghề vì yêu thích, đam mê nghề giáo. Không phải là tất cả, nhưng nhìn chung, ai đã làm nghề giáo thì khó mà chuyển sang nghề khác vì đã “duyên nợ” với cái nghiệp nhà giáo. Sống với nghề, gắn bó với nghề, đem tri thức đến học trò, truyền cho các em niềm tin khoa học và niềm tin vào lẽ sống, vào tương lai. Sứ mệnh cao cả ấy là niềm vinh quang của nhà giáo.

3. Không ngừng học tập

Henry Ford từng nói: “Ngừng học tập chúng ta sẽ già đi, dù chúng ta 20 hay 80 tuổi. Ai không ngừng học tập sẽ trẻ mãi. Điều vĩ đại nhất trong đời là giữ cho tâm hồn mình được trẻ trung”. Ai làm nghề giáo sẽ có diễm phúc đó, vì còn dạy thì còn phải học. Muốn học sinh “học một biết mười” thì người thầy phải “học mười dạy một” (muốn “dạy một” phải “học mười”). Nhà sư phạm Gi-nô-vi-ep từng nói: “Để cung cấp cho người học một hạt nhỏ hào quang kiến thức, người thầy giáo phải uống cạn một biển cả ánh sáng”. Đúng vậy, nhà giáo phải không ngừng học tập, học tập suốt đời, điều đó tạo nên niềm vui trí tuệ của nhà giáo.

4. Tâm hồn trẻ trung

Môi trường làm việc nhà giáo có đặc thù riêng, họ luôn tiếp xúc với giới trẻ, hoặc là tuổi thơ hồn nhiên, hoặc là tuổi mới lớn, hoặc là tuổi thanh niên trưởng thành. Tiếp xúc với học trò, những con người rất trẻ trung, trẻ trung không chỉ ở tuổi tác mà ở tâm hồn, phong cách.

Những câu chuyện hồn nhiên, ngây ngô của tuổi học trò đôi khi cũng là sự thú vị mà những người trong nghề mới chứng kiến. Một học sinh lớp 1 ngây thơ thưa với cô giáo rằng: “Thưa cô, cô cho em mượn cây bút của cô, vì cây bút của em chọn toàn đáp án sai!”. Một thầy giáo trung học nhận quà sinh nhật của một nhóm học sinh nữ, món quà nhỏ là cái... dao cạo râu cùng tấm thiệp ghi lời chúc: “Chúc thầy luôn đẹp trai và trẻ mãi. Chúng em nghĩ món quà này có ý nghĩa với thầy!”.

Trong đời dạy học của mình, mỗi thầy cô giáo đều có bao nhiêu câu chuyện hồn nhiên, dễ thương như thế về học trò của mình.

Những gương mặt trẻ trung, những đôi mắt sáng, những câu nói hồn nhiên, những tiếng cười rộn rã, những cử chỉ nhí nhảnh, những trò tinh nghịch... của các em đã làm cho các thầy cô giáo thấy mình trẻ trung theo, sống “hồn nhiên” vui vẻ hơn, “quên” đi tuổi tác của mình.

Thầy Lê Xuân Chiến - tác giả bài viết và học sinh trong một buổi cắm trại.
Thầy Lê Xuân Chiến - tác giả bài viết và học sinh trong một buổi cắm trại.

5. Làm chủ công việc

Nghề giáo cũng có những áp lực công việc nhất định, nhưng công việc của họ khá độc lập. Soạn bài, giảng bài, kiểm tra, chấm bài, theo dõi uốn nắn, giáo dục học trò và họp hành, làm hồ sơ sổ sách... là những công việc mang tính chuyên môn cá nhân. Việc ai nấy làm, miễn sao trò học ngoan, hiểu bài, phụ huynh không phàn nàn là được. Nhiều nhà giáo chọn cách sống an phận (theo nghĩa tích cực), họ làm tốt công việc của mình, làm đúng nhiệm vụ của người thầy, ứng xử đúng mực với đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh, không tranh đua giành giật với ai... Chỉ thế thôi họ sẽ có cuộc sống bình yên, không cần xu nịnh ai, không sợ ai trù dập. Nhà giáo hoàn toàn làm chủ công việc của mình bằng cái tâm của người thầy.

6. Sống mẫu mực

Với tôi, bản thân sẽ “tệ” hơn rất nhiều nếu tôi không làm nghề giáo. Cũng như tất cả thầy cô giáo khác, đặc thù nghề nghiệp luôn nhắc tôi phải sống mẫu mực, phải làm gương cho học sinh. Đành rằng người thầy giáo cũng là con người, cũng “hỉ, nộ, ái, ố”, trong công việc, cuộc sống cũng có lúc bất bình, bực tức, giận hờn... nhưng vị trí nghề nghiệp buộc họ phải kiềm chế, hết sức kiềm chế. Trước những cám dỗ của tiền tài danh vị, họ phải biết giữ mình. Tôi nói thật, làm nghề giáo, người thầy phải biết hạ cái tôi mình xuống. Lối sống huênh hoang, cao ngạo, tự đắc, hiếu thắng, vị kỷ... hoàn toàn xa lạ với nghề này.

Nghề giáo chọn người mẫu mực. Ai chọn nghề giáo chỉ có thể sống mẫu mực, nếu không sớm muộn gì cũng bị nghề đào thải.

7. Mỗi năm lại có ngày hội của nghề

Mỗi năm vào dịp 20/11, các thầy cô giáo càng ấm lòng hơn trước sự tôn vinh của xã hội. Những đóa hoa tươi thắm, những lời chúc mừng, những tin nhắn... Và đặc biệt, những giai điệu thiết tha, sâu lắng từ những ca khúc “Bụi phấn”, “Người thầy”, “Bài học đầu tiên”... ngân vang trong ngày hiến chương và trong lòng mỗi thầy cô giáo. Trong không khí ngày hội của nghề, lòng người thầy rất vui, một niềm vui xôn xao khó tả. Mỗi dịp 20/11 về, niềm vui của người thầy như được nhân lên, còn nỗi buồn, niềm trăn trở thì vơi đi hoặc tan biến vào miền xa xôi, diệu vợi để họ tiếp tục gắn bó với nghề.

Lê Xuân Chiến

(Giáo viên trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, Quảng Nam)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!