76% thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT

(Dân trí) - Hôm nay 20/6, Bộ GD&ĐT chính thức công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT 2008. Tỉnh có tỷ lệ đỗ cao nhất là Nam Định, TPHCM, Hà Nội, Thái Bình trên 90%. Đặc biệt, 2 tỉnh Cao bằng và Bắc Kạn có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp thấp nhất hơn 40%.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng so với năm 2007

Theo báo cáo của các đơn vị, tỷ lệ tốt nghiệp lần 1 năm 2008 của giáo dục THPT là 75,96%, tăng hơn kỳ thi lần 1 năm 2007 là 9,36% (lần 1 năm 2007 là 66,60%), của GDTX là 42,55% tăng hơn kỳ thi lần 1 năm 2007 là 15,95% (lần 1 năm 2007 là 26,60%). Tỷ lệ thí sinh đạt kết quả khá giỏi là 11.46%, chỉ tăng 0.84% so với lần 1 năm 2007 (10.62%).

Tỷ lệ tốt nghiệp chung cả nước tăng lên so với năm 2007: Năm 2007 có 30 đơn vị đạt tỷ lệ tốt nghiệp trên 70%, năm 2008 tăng thêm 12 đơn vị; năm 2007 có 12 đơn vị đạt tỷ lệ tốt nghiệp dưới 50%, năm 2008 giảm mạnh, chỉ còn 2 đơn vị (Bắc Kạn và Cao Bằng).

Một số đơn vị có tỷ lệ tốt nghiệp thấp nhất cả nước năm 2007, nay có tỷ lệ tốt nghiệp tăng khá nhiều: Tuyên Quang tăng 45,60% (lần 1 năm 2007 là 14,28%, năm 2008 đạt 59,88%); Sơn La tăng 30,31% (lần 1 năm 2007 là 24,33%, năm 2008 đạt 54,64%), Điện Biên tăng 28,86% (lần 1 năm 2007 là 45,94%, năm 2008 đạt 74,80%).

Các đơn vị có kết quả cao năm 2007 (như TP Hồ Chí Minh, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội …) năm 2008 vẫn tiếp tục đạt tỷ lệ tốt nghiệp cao và ở những vị trí đầu; đơn vị có tỷ lệ tốt nghiệp năm 2008 cao nhất là Nam Định (94,33% - năm 2007 là 90,38%), tiếp đó là TP Hồ Chí Minh (93,26% - năm 2007 là 95,14%) và Hà Nội (91,87% - năm 2007 là 86,48%).

Các đơn vị như Yên Bái, Sơn La, Bắc Kạn, Tuyên Quang tuy kết quả đã có sự tiến bộ đáng kể so với năm 2007 về xếp hạng nhưng vẫn xếp cuối bảng. Đơn vị năm nay có tỷ lệ thấp nhất là Cao Bằng (40,56% - năm 2007 là 27,89%), trên đó là Bắc Kạn (43,18% - năm 2007 là 20,26%) và Yên Bái (52,39% - năm 2007 là 27,11%).

Tỷ lệ đỗ phân hoá theo từng vùng miền

Ông Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng cho biết: “Kết quả tốt nghiệp có sự phân hoá cao theo các đối tượng thí sinh và vùng miền khác nhau. Tỷ lệ tốt nghiệp loại khá, giỏi toàn quốc là 11,45% (năm 2007 là 10,62%), chứng tỏ đề thi có khả năng phân loại học sinh cao, sát với chất lượng thực tế, trong khi tỷ lệ tốt nghiệp 75,96% cũng phản ánh khá hợp lý trình độ chung của học sinh cả nước.

Đây là một cơ sở quan trọng cho kế hoạch thực hiện kỳ thi THPT quốc gia năm 2009, vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa là một căn cứ quan trọng để tuyển sinh vào đại học, cao đẳng, trung cấp.

Các địa phương có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp khá giỏi cao là TP. Hồ Chí Minh: 25,83%, Hà Nội: 20,20%, Hải Phòng 20.08%, Tiền Giang 19.3%, Nam Định: 16,17%, Đà Nẵng 15.47%. Các tỉnh có tỷ lệ khá giỏi thấp nhất là Sơn La: 3,55%, Lai Châu 4.23%, Bắc Kạn: 4,39%, Đăk Nông 4,97%, Hà Giang: 4,99%.

Đối với từng địa phương, các trường THPT Chuyên, các trường ở khu vực trung tâm huyện, thành phố, thị xã có điều kiện thuận lợi và chất lượng tuyển sinh đầu cấp THPT tốt đều đạt tỷ lệ tốt nghiệp cao, nhiều trường có 100% học sinh tốt nghiệp; ngược lại, các trường ngoài công lập, nhất là các trường dân lập thuộc các vùng khó khăn có tỷ lệ tốt nghiệp rất thấp.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT lần 1 năm 2008 đã được tổ chức nghiêm túc, đúng quy chế. Tỷ lệ tốt nghiệp của giáo dục THPT là 75.96%, tăng 9.36% so với kỳ thi lần 1 năm 2007 và tỷ lệ đạt khá giỏi là 11.4% phản ánh kết quả nỗ lực dạy và học cả năm học của toàn ngành sát với chất lượng giáo dục thực tế.

Tỷ lệ tốt nghiệp tăng tương đối đồng đều ở tất cả các địa phương, không làm thay đổi nhiều về thứ hạng của các đơn vị trên cả nước theo tỷ lệ tốt nghiệp so với kỳ thi lần 1 năm 2007: các địa phương có điều kiện giáo dục tốt và tổ chức dạy học nghiêm túc như Nam Định, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thái Bình... vẫn đứng hàng đầu; trong khi đó, tuy tỷ lệ tốt nghiệp đã được nâng lên so với năm 2007 nhưng các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, điều kiện giáo dục còn khó khăn như Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Hà Giang, Sơn La ... vẫn ở thứ hạng cuối.

“Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp đã phản ánh đúng thực chất”

 

 

76% thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT - 1

 

Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc trao đổi với báo chí.

 

Tỷ lễ đỗ tốt nghiệp tăng gần 10% so với năm ngoái, chuyển biến khá tích cực này là do đâu thưa ông?

 

Kết quả kì thi tốt nghiệp THPT năm nay phản ánh nỗ lực của nhiều thầy, cô giáo trên cả nước. Trong năm học tới Bộ GD-ĐT sẽ cố gắng dạy tốt hơn, học tốt hơn để sau này các em học sinh sẽ có năng lực làm việc cao hơn.

 

Bộ GD-ĐT cũng đã rút được kinh nghiệm từ các năm trước là làm sao đề thi phản ánh đúng yêu cầu của THPT ở mức là nắm được những kiến thức cơ bản để từ đó đánh giá và có thể công nhận tốt nghiệp được.

 

Một nguyên nhân khác là năm học 2006-2007 chúng ta đã có một kì thi tổ chức nghiêm túc hơn rất nhiều so với các năm trước đó cho nên kết quả đã giảm mạnh từ gần 94% đỗ tốt nghiệp xuống còn 66,7%. Từ kết quả của năm thi này chúng ta vẫn tiếp tục có chủ trương thi nghiêm túc hơn nữa và đưa ra những biện pháp nhằm khắc phục những hạn chế ở kì thi tốt nghiệp năm 2007.

 

Chẳng hạn như năm 2008, chúng ta tiếp tục đưa giảng viên các trường ĐH, CĐ xuống làm giám thị, kiểm tra và số lượng còn tăng hơn so với năm 2007. Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã có quy chế mới chặt chẽ hơn. Ví dụ như điện thoại di động là phải được cất riêng trước khi vào phòng thi…

 

Một vấn đề nữa, khác với các năm trước đây là chúng ta chỉ quan tâm đến việc bồi dưỡng học sinh khá giỏi thì hai năm nay chúng ta lại chú trọng đến việc chăm lo học sinh yếu kém.

 

Thưa ông, kì thi tốt nghiệp THPT vừa qua có một số địa phương kết quả đỗ tốt nghiệp tăng đột biến ( có địa phương tăng 4 lần so với năm 2007), vậy Bộ GD-ĐT sẽ có cách nào rà soát kiểm tra lại hay không?

 

Trước hết phải nói rằng Bộ GD-ĐT vẫn chưa có biện pháp gì để kiểm tra rà soát việc các địa phương có tỷ lệ tăng đột biến. Hơn thế nữa đây là trách nhiệm của địa phương.

 

Theo tôi thì địa phương tăng bao nhiêu thì chúng ta phải về địa phương đó xem cách làm của họ như thế nào. Tại sao chúng ta boăn khoăn địa phương tăng nhiều mà không boăn khoăn về địa phương giảm xuống? Chẳng lẽ tỷ lệ đỗ tốt nghiệp giảm xuống là do chất lượng giáo dục địa phương đó không tốt? Bộ GD-ĐT hoan nghênh các cơ quan báo chí về các địa phương này để xem là làm sao họ làm được như vậy. Nếu họ đưa ra được những giải pháp thích hợp thì chúng ta phải mừng mới phải. Chỉ khi nào họ không đưa ra được lời giải thích thì lúc đó chúng ta mới cần phải xem xét lại.

 

Vừa qua, 4 địa phương có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp tăng mạnh so với năm 2007 thì chúng tôi đã yêu cầu báo cáo xem địa phương đã có giải pháp như thế nào thì nói chung là do họ đều cho biết là đã tổ chức học nghiêm túc hơn. Con số tăng ở đây chỉ là tăng số lượng học sinh đỗ tốt nghiệp, chứ số học sinh khá giỏi tăng không quá nhiều.

 

Chủ trương của Bộ GD-ĐT là năm tới sẽ tiếp tục thi nghiêm túc hơn nữa, vậy để làm được điều đó thì năm học 2008-2009 sẽ có những thay đổi như thế nào thưa ông?

 

Dự kiến chỉ còn năm nay là sẽ tổ chức kì thi tốt nghiệp THPT lần 2, còn năm 2009 sẽ chỉ tổ chức thi một lần mà thôi. Do đó, một trong những giải pháp ở năm học 2008-2009 là sẽ điều chỉnh lại lịch học. Vừa rồi qua đánh giá chương trình sách giáo khoa thì thấy ở bậc trung học nhiều lớp học một tuần trên 30 tiết như vậy thực ra là quá tải nhưng năm học 2008-2009 sẽ điều chỉnh làm sao để tối đa 29 tiết/tuần mà thôi. Thời gian dự kiến cho năm học 2008-2009 thay vì 35 tuần sẽ tăng lên thành 37 tuần để các địa phương có điều kiện thích nghi và có thời gian cho các em ôn tập.

 

Năm học 2007 là năm đầu tiên chúng ta để địa phương tự quyết định ngày khai giảng và kết thúc năm học để phù hợp vùng núi có thể nghỉ mùa đông nhiều hơn, miền sông nước có lũ thì học sớm hơn… và năm nay chúng ta tiếp tục tạo quyền chủ động này cho các địa phương.

 

Nói chung là năm nay chúng ta đã có kì thi nghiêm túc và năm sau chúng ta sẽ làm nghiêm túc hơn nữa để cố gắng làm sao sau 3 năm chúng ta xác lập được cơ chế tổ chức thi về mặt kỹ thuật nhưng đồng thời cũng nâng cao nhận thức xã hội, của gia đình và học sinh.

 

Xin cảm ơn Bộ trưởng.

Hồng Hạnh - Nguyễn Hùng