8 lưu ý dành cho các đối tượng được tuyển thẳng

(Dân trí) - Theo quy chế tuyển sinh năm 2010 thì có 5 đối tượng được phép tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ. Số lượng chỉ tiêu tuyển thẳng không nhiều, chính vì thế việc làm hồ sơ như thế nào để cho “an toàn” là một điều cần thiết.

Để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc Dân trí xin đưa ra 8 lưu ý quan trọng dưới đây dành cho các đối tượng được tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ:

1. Đối tượng nào được phép tuyển thẳng?

Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 thì những thí sinh thuộc diện sau sẽ được tuyển thẳng:

- Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc đã tốt nghiệp trung học.

- Người đã dự thi và trúng tuyển vào các trường, nhưng ngay năm đó có lệnh điều động đi nghĩa vụ quân sự hoặc đi thanh niên xung phong tập trung nay đã hoàn thành nghĩa vụ, được phục viên, xuất ngũ mà chưa được nhận vào học ở một trường lớp chính quy dài hạn nào, được từ cấp trung đoàn trong quân đội hoặc Tổng đội thanh niên xung phong giới thiệu, nếu có đủ các điều kiện và tiêu chuẩn về sức khoẻ, có đầy đủ các giấy tờ hợp lệ thì được xem xét nhận vào học tại trường trước đây đã dự thi, mà không phải thi lại. Nếu việc học tập bị gián đoạn từ 3 năm trở lên và các đối tượng được tuyển thẳng có nguyện vọng, thì được xem xét giới thiệu vào các trường, lớp dự bị để ôn tập trước khi vào học chính thức.

- Thí sinh trong đội tuyển Olympic đã tốt nghiệp trung học được tuyển thẳng vào đại học, nếu chưa tốt nghiệp trung học sẽ được bảo lưu sau khi tốt nghiệp trung học. Khối ngành học của những thí sinh này được ưu tiên xem xét phù hợp với môn thí sinh đã dự thi.

- Thí sinh đã tốt nghiệp trung học là thành viên đội tuyển quốc gia, được Uỷ ban TDTT (nay là Bộ Văn hóa thể thao và du lịch) xác nhận đã hoàn thành nhiệm vụ tham gia thi đấu trong các giải quốc tế chính thức, bao gồm: Giải vô địch thế giới, Cúp thế giới, Thế vận hội Olympic, Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD), Giải vô địch châu Á, Cúp châu Á, Giải vô địch Đông Nam Á, Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEAGAME), Cúp Đông Nam Á được tuyển thẳng vào các trường ĐH, CĐ Thể dục, thể thao (TDTT) hoặc các ngành TDTT của các trường theo quy định của từng trường.

- Thí sinh năng khiếu nghệ thuật đã tốt nghiệp trung học hoặc tốt nghiệp hệ trung cấp các trường năng khiếu nghệ thuật, đạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật quốc tế về ca, múa, nhạc được tuyển thẳng vào học các ngành tương ứng trình độ ĐH, CĐ của các trường năng khiếu, nghệ thuật theo quy định của từng trường.

2. Thí sinh thuộc diện tuyển thẳng được đăng ký bao nhiêu nguyện vọng?

Trong kỳ thi tuyển sinh năm 2010, mỗi học sinh đủ điều kiện tuyển thẳng được đăng ký 3 NV theo thứ tự ưu tiên. Học sinh có thể đăng ký NV vào 3 trường khác nhau, mỗi trường 1 ngành hoặc cả 3 NV đều đăng ký vào 1 trường nhưng ở 3 ngành khác nhau.

3. Nguyên tắc xét tuyển thẳng sẽ diễn ra như thế nào?

Khi xét tuyển thẳng, trước hết ưu tiên xét theo nguyện vọng 1, nếu không được sẽ lần lượt chuyển sang nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Tổng số thí sinh được tuyển thẳng vào một trường hoặc một ngành của từng trường không vượt quá 15% tổng chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính qui của trường hoặc ngành đó.

Các trường, ngành có nhiều người đăng ký tuyển thẳng, trước hết sẽ xét chọn theo nguyện vọng 1 theo nguyên tắc lấy từ giải cao xuống đến giải thấp hơn. Nếu còn thiếu chỉ tiêu thì lần lượt xét đến người có nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 cũng theo thứ tự ưu tiên như khi xét nguyện vọng 1.

Nếu cả 3 nguyện vọng đều không đạt, Bộ GD-ĐT sẽ xem xét bố trí học sinh vào những trường (ngành) còn chỉ tiêu tuyển thẳng. Sau khi Bộ GD-ĐT đã gửi kết quả đăng ký tuyển thẳng về Sở, sẽ không chấp nhận việc thay đổi nguyện vọng hoặc bổ sung thêm nguyện vọng mới.
 
Học sinh đạt giải được tuyển thẳng vào các ngành có môn thi tuyển sinh trùng với môn đạt giải. Riêng các ngành sư phạm chỉ tuyển thẳng học sinh có môn đạt giải trùng với ngành đào tạo.
 
4. Thí sinh thuộc diện tuyển thẳng muốn dự thi thì kết quả tính như thế nào?

Theo quy định về tuyển thẳng thì trong trường hợp học sinh đã đăng ký tuyển thẳng vào một trường, nhưng lại dự thi vào trường đó, thì việc xét trúng tuyển sẽ căn cứ vào tổng điểm các môn thi tuyển sinh và điểm thưởng.
 
5. Khi đăng ký tuyển thẳng cần lưu ý những gì?
 
Khi thí sinh đăng ký tuyển thẳng vào khối các trường quân đội, công an hệ quân sự thì bắt buộc phải tham gia vòng sơ tuyển. Chỉ có những thí sinh đạt sơ tuyển mới được xem xét tuyển thẳng vào khối các trường này.
 
Đối với các ngành và các trường năng khiếu (Kiến trúc, Mỹ thuật, Âm nhạc...) thí sinh thuộc diện tuyển thẳng, nếu đạt yêu cầu sơ tuyển, được miễn thi các môn văn hoá, nhưng phải dự thi các môn năng khiếu và phải đạt điểm năng khiếu do trường qui định mới thuộc diện trúng tuyển.

Các thí sinh đăng ký vào các ngành và các trường TDTT, Hàng Hải phải đạt yêu cầu qui định về tiêu chuẩn sức khoẻ, chiều cao, cân nặng và đạt yêu cầu tối thiểu về năng khiếu TDTT...

Ngoài ra thí sinh cần phải theo dõi thường xuyên thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để biết kế hoạch tuyển thẳng và ưu tiên xét thẳng của các trường ĐH, CĐ. Trong thời gian tới, Dân trí sẽ cung cấp đầy đủ thông tin về các trường có thông báo tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển.

6. Hồ sơ đăng ký tuyển thẳng như thế nào thì hợp lệ?

Mỗi học sinh đăng ký tuyển thẳng cần làm một bộ hồ sơ gửi về Sở GD-ĐT trước ngày 18/6/2008, bao gồm:

- Một túi đựng hồ sơ. Mặt trước của túi là phiếu đăng ký tuyển thẳng. Mặt sau in hướng dẫn ghi phiếu đăng ký tuyển thẳng. (Phiếu đăng ký tuyển thẳng theo mẫu của Bộ GD-ĐT). Trong túi đựng các giấy tờ:

- Giấy chứng nhận là anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc đã tốt nghiệp trung học (Đối với thí sinh là Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sĩ thi đua toàn quốc).

- Bản sao giấy chứng nhận đạt giải, chứng nhận là thành viên của đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế (đối với thí sinh thuộc đội tuyển Olympic).

- Giấy chứng nhận đạt giải hoặc huy chương, đẳng cấp vận động viên do Uỷ ban Thể dục thể thao hoặc Bộ Văn hóa cấp (đối với học sinh diện năng khiếu TDTT, nghệ thuật).

- Hai phong bì đã dán tem ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh, hai ảnh chân dung cỡ 4 x 6.

- Giấy chứng nhận tốt nghiệp THPT năm 2010.

7. Khi làm hồ sơ tuyển thẳng cần chú ý điểm gì?

Thí sinh cần phải khai chính xác, đầy đủ, không tẩy xóa tất cả 7 mục trong phiếu đăng ký tuyển thẳng. Khi đã gửi hồ sơ về Bộ, thí sinh không được sửa đổi nguyện vọng đã khai trong phiếu đăng ký tuyển thẳng.

8. Khi nào có kết quả tuyển thẳng?

Trước ngày 20/6, các Sở gửi hồ sơ và danh sách học sinh đăng ký tuyển về Vụ Đại học và Sau đại học - Bộ GD-ĐT (49 Đại Cồ Việt, Hà Nội) theo đường Bưu điện chuyển phát nhanh để Bộ tổng hợp, xét tuyển và thông báo kết quả tuyển thẳng tới các Sở trước ngày 30/6/2006.

 

Học sinh đạt giải quốc gia có phải làm hồ sơ tuyển thẳng?

Theo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2010 thì thí sinh đạt giải quốc gia không thuộc đối tượng tuyển thẳng mà chỉ thuộc đối tượng ưu tiên xét tuyển nên không cần phải làm hồ sơ tuyển thẳng.

Những thí sinh này chỉ cần gửi nộp bản sao chứng nhận đạt giải học sinh giỏi quốc gia, phiếu đăng ký ưu tiên xét tuyển cùng hồ sơ ĐKDT theo đúng thời gian quy định.

Đối tượng này muốn được ưu tiên xét tuyển bắt buộc phải tham dự kì thi ĐH, CĐ và kết quả dự thi phải đạt từ mức điểm sàn ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT đưa ra trở lên (không có môn nào bị điểm 0). Hình thức ưu tiên xét tuyển sẽ do từng trường ĐH, CĐ quy định.

 

Nguyễn Hùng