8 thắc mắc thường gặp về hệ đào tạo liên thông

(Dân trí) - Những đối tượng nào thì được phép học liên thông? Điều kiện học liên thông là gì? Trường nào tuyển sinh hệ đào tạo liên thông?... Đây là phần lớn những câu hỏi các bạn thí sinh gửi về Dân trí trong thời gian qua.

Nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin về hệ đào tạo liên thông của các bạn thí sinh, Dân trí xin giải đáp 8 thắc mắc thường gặp nhất về hệ đào tạo này.

 

1. Đối tượng nào được đào tạo liên thông?

 

- Những người đã tốt nghiệp hệ chính quy các trường Dạy nghề (DN), Trung học chuyên nghiệp (THCN) và Cao đẳng (CĐ) có nhu cầu học tập nâng cao.

 

- Những người đã tốt nghiệp những khoá đào tạo chính qui nước ngoài với trình độ tương đương DN, THCN, CĐ của Việt Nam và phải được Bộ GD-ĐT thừa nhận.

 

2. Điều kiện dự thi và những ưu tiên

 

- Người tốt nghiệp đạt loại giỏi sẽ được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp. Kết quả thi tuyển sẽ được cộng thêm từ 1-2 điểm do Hiệu trưởng quyết định điểm cộng này.

 

- Người tốt nghiệp loại khá sẽ được tham gia dự tuyển ngay sau khi tốt nghiệp.

 

- Người tốt nghiệp loại trung bình phải có kinh nghiệm làm việc gắn với chuyên môn được đào tạo từ 2 năm trở lên mới được thi tuyển.

 

Người học thuộc diện chính sách, khi thi tuyển được ưu tiên theo các Qui chế tuyển sinh hiện hành do Bộ GD-ĐT ban hành.

 

3. Phương thức thi tuyển

 

Người học phải tham dự một kỳ thi tuyển với một môn chuyên môn và một môn cơ sở.

Trong đào tạo liên thông không có quy định tuyển thẳng. Bất cứ thí sinh nào muốn học liên thông phải qua kì thi tuyển vào hệ đào tạo liên thông.

 

4. Trường nào đào tạo liên thông

 

Hiện nay có 61 trường đào tạo liên thông trong đó có 23 trường ĐH và 38 trường CĐ.

Danh sách đào tạo liên thông xem tại đây.

 

5. Nguyên tắc đăng kí dự thi liên thông

 

Theo quy định cứng của Bộ GD-ĐT  thì người đăng kí học liên thông phải dự thi vào đúng ngành mình đã tốt nghiệp trước đó. Thí sinh chỉ được phép ĐKDT vào trường có tổ chức tuyển sinh hệ đào tạo liên thông.

 

Hiện nay do quy chế đào tạo liên thông mới chỉ là quy định tạm thời nên có một số trường được Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh đăng kí dự thi vào nhóm ngành gần với ngành tốt nghiệp của thí sinh. Tuy nhiên thí sinh phải tham gia khoá học bồi dưỡng kiến thức trước khi đăng kí dự thi.

 

Những hình thức này thí sinh phải liên hệ trực tiếp với các trường đào tạo liên thông để nắm rõ thông tin.

 

6. Hình thức học và thời gian đào tạo liên thông.

 

Hình thức học đào tạo liên thông theo hình thức tập chung chính quy. Người trúng tuyển phải đóng học phí theo quy định chung của nhà nước. Người học phải tuân thủ mọi quy chế đào tạo giống như các hệ đào tạo chính quy.

 

Thời gian đào tạo liên thông được tuân thủ theo quy định sau:

 

Học liên thông từ TCCN lên CĐ; CĐ lên ĐH: 1,5 năm.

Học liên thông từ TCCN lên ĐH: 2,5 năm.

 

7. Hồ sơ đăng kí dự thi

 

- Đơn đăng ký xét tuyển (theo mẫu)

- Bản sao giấy khai sinh

- Sơ yếu lý lịch

- Bản sao Bằng tốt nghiệp và bảng điểm

- 2 phong bì có dán tem và ghi rõ địa chỉ báo tin, 3 ảnh 4x6

- Các giấy tờ xác nhận ưu tiên (nếu có).

 

Lưu ý: Hồ sơ ĐKDT phải mua trực tiếp tại trường tổ chức tuyển sinh hệ đào tạo liên thông.

 

8. Bằng cấp của hệ đào tạo liên thông

 

Người học trước đây đã tốt nghiệp loại hình đào tạo chính quy thì trên văn bằng tốt nghiệp các khoá đào tạo liên thông sẽ được ghi nguyên loại hình đào tạo chính quy. Trong đào tạo liên thông, không được phép chuyển đổi tên gọi loại văn bằng từ hệ đào tạo không chính quy thành hệ đào tạo chính quy.

 

Như vậy có thể hiểu, người tốt nghiệp hệ đào tạo liên thông sẽ được nhận bằng chính quy. Giá trị bằng cấp như các hệ chính quy bình thường.

 

Nguyễn Hùng